Bất động sản phía Nam đang có giá "mềm" hơn so với phía Tây và Đông Hà Nội, sẽ tăng giá trong tương lai?
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, mức giá bất động sản tại phía Nam vẫn được đánh giá là "mềm" hơn đáng kể so với khu vực phía Tây và phía Đông Hà Nội, tạo ra nhiều dư địa tăng giá trong tương lai.
Tại hội thảo "Thị trường căn hộ Hà Nội: Đâu là lựa chọn sống, đầu tư bền vững?" diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Hà Nội đã và đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.
Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản khu vực phía Nam Hà Nội sở hữu những động lực phát triển rõ nét. Ông Đính cho biết, khu vực Nam Hà Nội nằm tại vị trí cửa ngõ phía Nam và Đông Nam Hà Nội, tập trung nhiều đầu mối giao thông quốc gia, kết nối thuận tiện với khu vực trung tâm thành phố Hà Nội cũng như các vùng kinh tế năng động nhất Việt Nam như Hà Nam, Thanh Hoá, Nam Định...
Theo định hướng quy hoạch, khu vực này sẽ phát triển thành các khu đô thị vệ tinh và khu dân cư hiện đại, góp phần giãn dân từ khu vực nội đô. Nhiều khu đô thị lớn đã được hình thành như Linh Đàm, Đại Kim - Định Công, Gamuda Gardens, Housinco Premium…, tạo nên môi trường sống đẳng cấp với đầy đủ tiện nghi, dịch vụ
Bên cạnh đó, khu vực phía Nam Hà Nội còn được thừa hưởng hệ thống hạ tầng xã hội và dịch vụ hiện đại bậc nhất Thủ đô. Mạng lưới trường học phong phú, từ công lập đến các trường quốc tế uy tín như Vinschool, Marie Curie; cùng các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nội tiết. Khu vực này còn nổi bật với các công viên lớn như Yên Sở, Chu Văn An và Tân Triều…
Bên cạnh đó, đây là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế quan trọng như KCN Thường Tín, Phúc Xuyên. Đồng thời nằm trong trục hành lang công nghiệp phía Bắc, kết nối với các KCN lớn tại Hưng Yên, Hà Nam. Điều này thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, dịch vụ và các tiện ích khác
Có thể nói, với quỹ đất dồi dào và lợi thế chiến lược, phía Nam Hà Nội còn rất nhiều dư địa phát triển, đặc biệt là hạ tầng dịch vụ và kinh tế. Sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp lớn cùng quy hoạch bài bản sẽ tiếp tục thúc đẩy khu vực này trở thành trung tâm phát triển năng động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường bất động sản. Phía Nam Thủ đô không chỉ đơn thuần là vùng đệm kết nối mà đang trở thành một khu vực kinh tế, đô thị hiện đại, hứa hẹn mang lại giá trị bền vững cho nhà đầu tư và cộng đồng cư dân.
Ông Đính cho rằng, động lực từ các dự án phát triển đô thị và hạ tầng giao thông đang được triển khai đã tạo đà cho giá bất động sản tại khu vực phía Nam Hà Nội tăng trưởng ổn định. Dù vậy, mức giá tại đây vẫn được đánh giá là "mềm" hơn đáng kể so với khu vực phía Tây và phía Đông Hà Nội, tạo ra nhiều dư địa tăng giá trong tương lai.
Tuy nhiên, vị này chỉ ra rằng, thị trường căn hộ đang tồn tại nhiều nghịch lý. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, khu vực phía Nam Hà Nội chỉ ghi nhận khoảng 50 sản phẩm căn hộ mở bán, phản ánh sự hạn chế trong nguồn cung sơ cấp. Đặc biệt, rất ít dự án mới, nhất là các dự án căn hộ cao cấp, đang được triển khai tại khu vực này
Về giao dịch, nhu cầu về căn hộ tại khu vực phía Nam Hà Nội, cả để ở và đầu tư, đang tăng mạnh nhờ vị trí thuận lợi và sự phát triển đồng bộ về hạ tầng. Nguồn cung sơ cấp khan hiếm khiến phần lớn giao dịch tại khu vực này tập trung trên thị trường thứ cấp, với các sản phẩm có mức giá hợp lý, gần trung tâm hơn so với khu Đông và khu Tây thành phố. Đáng chú ý, tỷ lệ hấp thụ các sản phẩm sơ cấp đạt mức cao, cho thấy sự quan tâm lớn từ thị trường.
Theo đó, thị trường bất động sản khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển. Với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đã và đang được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, khu vực phía Nam Hà Nội, nhất là các dự án chất lượng, pháp lý minh bạch sẽ là điểm đến hấp dẫn cho cả người mua nhà ở thực và nhà đầu tư.
Đồng quan điểm với ông Đính, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, tiềm năng của khu vực này rất lớn nhờ chủ trương của thành phố và quyết tâm lên quận của huyện Thanh Trì cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng đã và đang được triển khai gấp rút và động bộ.
Đáng chú ý là các tuyến đường vành đai 2,5, 3,5 và nhất là Vành đai 4 đang gấp rút thực hiện và hoàn thiện sẽ tạo ra đột phá về hạ tầng giao thông khu vực Nam Hà Nội nói chung và khu vực Linh Đàm nói riêng.
“Ở đây cũng phải quay trở lại một thực tế, khu vực phía Nam Hà Nội có nhiều lợi thế, nhất là còn quỹ đất rất lớn nhưng thị trường bất động sản thời gian qua kém sôi động, giá vẫn thấp hơn một số khu vực khác, có nguyên nhân từ hạ tầng giao thông, nhất là ùn tắc ở tuyến đường trên cao vành đai 3 và nút Pháp Vân”, ông Doanh nói.
Vì vậy, một khi các tuyến đường kể trên hoàn thành, tạo sự kết nối đồng bộ qua trục xuyên tâm và các đường mạng nhện khác. Nhất là khi tuyến vành đai 4, vành đai 2,5, vành đai 3,5 hoàn thành đi vào hoạt động sẽ phân tán luồng phương tiện, giảm tải cho hệ thống giao thông hiện hữu sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc, tạo thông suốt từ Linh Đàm di chuyển về các hướng thì chắc chắn sức hút của thị trường bất động sản ở đây sẽ có sự thay đổi.
“Với mặt bằng giá khu vực này còn thấp, có thể coi đây là sự lựa chọn tốt cho cả người có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư thứ cấp trong thời điểm này”, ông Doanh nhấn mạnh.
Thế Anh
Nhịp sống thị trường