Cần làm gì để Vân Đồn (Quảng Ninh) trở thành mũi đột phá phát triển kinh tế?
Tổ chức không gian phát triển của Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 xác định, Vân Đồn là một trong 2 mũi đột phá chiến lược, thúc đẩy tuyến hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh với nền tảng là chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, công nghệ cao và kinh tế biển… Tuy nhiên đến nay, Vân Đồn chưa thực sự bứt phá, lợi thế, tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm và cần có một kế hoạch dài hơi cho phát triển.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư hiện đại, đồng bộ.
Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) được Trung ương xác định là 3 KKT trọng điểm, 3 điểm đột phá phát triển Bắc - Trung - Nam của đất nước. Trong đó, Vân Đồn là KKT duy nhất nằm trong khu vực hợp tác kinh tế Việt - Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV cũng xác định cùng với Móng Cái, Vân Đồn là một trong 2 mũi đột phá chiến lược.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn, ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH KKT Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch vào tháng 2/2020. Toàn bộ diện tích KKT nằm trong địa giới hành chính của huyện Vân Đồn, sẽ là KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững.
Sở hữu nền tảng vững chắc bằng những định hướng, cơ chế rõ nét, song thời gian qua, Vân Đồn chưa thực sự bứt phá, nổi bật và hấp dẫn. Số lượng các dự án triển khai mới tại KKT Vân Đồn còn khá khiêm tốn với 3 dự án mới được triển khai từ 2021 đến nay là: Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbour Vân Đồn, Dự án Hồ chứa nước Đồng Dọng và Cụm công nghiệp Vân Đồn.
Đường trục chính Khu đô thị Cái Rồng, huyện Vân Đồn được đầu tư mở rộng.
Đại diện Ban Quản lý KKT Vân Đồn cho biết: Việc kém hấp dẫn các nhà đầu tư thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã khiến công tác tổ chức lập quy hoạch phân khu và các hoạt động đầu tư chậm so với kế hoạch. Trên địa bàn KKT Vân Đồn có nhiều khu vực đất quân sự, quy hoạch 3 loại rừng… vì thế, việc rà soát trong quá trình nghiên cứu lập, trình duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư trên địa bàn rất khó khăn, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, nhu cầu đất đá cho các dự án san lấp mặt bằng lớn nhưng nguồn đất hạn chế do quan điểm phát triển bền vững không tác động đến cảnh quan thiên nhiên; công tác GPMB của địa phương tại một số dự án còn chậm… đã ảnh hưởng đến tiến độ các công trình động lực và cơ hội thu hút đầu tư về Vân Đồn.
Vân Đồn hiện đang sở hữu cửa ngõ bầu trời của tỉnh với Cảng hàng không quốc tế hiện đại, đồng bộ, năng lực đón tiếp cao; tuyến cao tốc dọc tỉnh dài gần 200km Hải Phòng - Móng Cái cũng chọn Vân Đồn là trung tâm kết nối; vốn là huyện đảo, nên địa phương này sở hữu đường bao biển dài bao quanh với nhiều cảng du thuyền, cảng tàu khách đồng bộ, hiện đại... Như vậy có thể nói, Vân Đồn đang là địa phương sở hữu hạ tầng, phương thức giao thông đa dạng và đồng bộ nhất tỉnh, nhiều lợi thế nổi trội.
Vì thế thời gian tới, khi Quảng Ninh cũng như cả nước và quốc tế đã thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid -19, Vân Đồn cần phải có sự bứt phá, xác định trọng tâm, trọng điểm để phát huy thế mạnh là chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, công nghệ cao, kinh tế biển thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư. Đặc biệt là các dự án lớn có tác động lan tỏa, tạo đột phá cho KKT Vân Đồn phát triển trong tương lại gần như: Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp sân golf...
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đoạn qua huyện Vân Đồn.
Đồng thời, cần rà soát, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện dự án đang có, kiên quyết xử lý các dự án không đáp ứng được các yêu cầu về năng lực để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông với các tuyến đường trục chính kết nối phân khu chức năng, kết nối sân bay, cảng du thuyền, tuyến cao tốc... Cùng với đó, cần siết chặt công tác quản lý quy hoạch, tài nguyên, bảo vệ môi trường và có giải pháp đẩy nhanh công tác GPMB đảm bảo mặt bằng sạch, tạo sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mới.
Tin tưởng rằng, với vị trí chiến lược, lợi thế riêng có, Vân Đồn sẽ nhanh chóng định vị lại được mình, tạo những bứt phá, trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững; là mũi đột phá tuyến hành lang kinh tế phía Đông của tỉnh.