Giá đất cao nhất tại Nhật Bản vào khoảng 7 tỷ đồng mỗi m2

Jul 4, 2023 - 16:04
Jul 4, 2023 - 16:06
 0  18
Giá đất cao nhất tại Nhật Bản vào khoảng 7 tỷ đồng mỗi m2

Đất mặt tiền ở vị trí trước tòa nhà Kyukyodo ở Ginza (Tokyo) có giá 296.000 mỗi m2, tương đương gần 7 tỷ đồng, đắt nhất ở Nhật Bản.

Năm thứ 38 liên tiếp, giá đất cao nhất nước Nhật là vị trí trước tòa nhà bán lẻ văn phòng phẩm Kyukyodo, ở khu thương mại Ginza. Giá mỗi m2 tại đây là 42,72 triệu yen (296.000 USD), cao hơn 1,1% so với năm trước và là mức tăng đầu tiên trong ba năm, theo dữ liệu mới công bố của Cơ quan thuế quốc gia Nhật Bản.

Ginza được biết đến với các cửa hàng và nhà hàng cao cấp, luôn là địa điểm yêu thích của khách du lịch. Kyukyodo đã lập cửa hàng tại vị trí cạnh lô đất kể từ năm 1663, chuyên kinh doanh hương, đồ dùng thư pháp và giấy truyền thống Nhật Bản.

Trên quy mô cả nước Nhật, giá đất mặt tiền trung bình tăng 1,5% vào năm 2023 so với một năm trước đó, đánh dấu năm tăng thứ hai liên tiếp.

Mặt tiền cửa hàng văn phòng phẩm Kyukyodo ở khu mua sắm Ginza của Tokyo. Ảnh: Kyodo

Khảo sát năm nay của cơ quan này về giá đất được thực hiện với khoảng 320.000 lô đất tiêu chuẩn, dựa trên dữ liệu do Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch tổng hợp và phản ánh các giao dịch. Kết quả được sử dụng để làm cơ sở tính thuế thừa kế và quà tặng.

25 trong số 47 tỉnh thành nước này có giá đất trung bình cao hơn. Mặc dù có lô đất tính theo m2 có giá kỷ lục quốc gia tính nhưng Tokyo không phải là địa phương có giá đất tăng mạnh nhất năm nay. Theo khảo sát, giá đất mặt tiền ở Tokyo 2023 chỉ tăng 3,2%, xếp thứ 4 sau Hokkaido, Fukuoka và Miyagi.

Hokkaido chứng kiến giá đất tăng 6,8% do nhu cầu đất ở tại Sapporo và các vùng ngoại ô. Đồng thời, đất thương mại cũng tăng đáng kể với dự đoán về việc mở rộng tuyến Hokkaido Shinkansen vào cuối năm 2030.

Theo Nikkei, giá đất mặt tiền ở Nhật Bản cải thiện nhờ tác động giảm dần của đại dịch, hoạt động kinh tế quay trở lại, đặc biệt là ở các khu vực du lịch và trung tâm thành phố. Ngoài giá đất ở khu Ginza nhích lên, Kyoto - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch - cũng khởi sắc.

Hồi 2021, giá đất tại khu vực Ga Gion-Shijo của tuyến tàu điện Keihan giảm đến 8,7%, nhưng đã tăng 6% trong năm nay nhờ chứng kiến khách du lịch nội địa quay lại.

"Bên cạnh khách trong nước, du khách từ châu Âu, Mỹ và châu Á đã quay trở lại. Các cửa hàng bỏ trống đã được lấp đầy bởi các quầy bán kem. Tôi hy vọng lượng khách sẽ tăng hơn nữa trong mùa thu", một phụ nữ ở độ tuổi 20 làm việc tại cửa hàng bánh kẹo gần đó cho biết".

Anh Kỳ (Nikkei, Japan Times)