Chuyên gia lý giải nguyên nhân thị trường bất động sản chững nhưng giá vẫn cao
"Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không tăng là cầu của thị trường. Cung - cầu quyết định về giá. Nhu cầu lớn thì giá không thể giảm được".
Bất chấp dịch bệnh trong hơn 2 năm qua, giá bất động sản vẫn luôn trên đà tăng. Theo thông kế của các đơn vị nghiên cứu thị trường, giá bất động sản đã tăng 13 quý liên tục. Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng trở lại đây, các chuyên gia đều nhận định thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại sau loạt động thái kiểm soát của Nhà nước.
Theo số liệu của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm bán trong tháng 5 vừa qua đã giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Giao dịch mua bán loại hình đất có dấu hiệu chững lại, chỉ xuất hiện sóng nhẹ ở khu vực đường vành đai hoặc một số khu vực có dự án quy hoạch.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn vừa đưa ra những chia sẻ kỹ hơn về thị trường bất động sản những tháng đầu năm 2022 tại talkshow Nhà đất có đang "chững" do VTV24 tổ chức.
"Giao dịch bất động sản bán đang khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng quan tâm bất động sản bán đã giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở các loại hình là đất, đất nền dự án. Trong khi đó lượng tin đăng rao bán tăng trên 22%, đặc biệt đất nền dự án tăng 38%.
Sau giai đoạn dễ dàng cho cả người mua và người bán, các nhà đầu tư hay những người đang cầm hàng đăng nhiều hơn để có thể bán sản phẩm của mình”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Theo ông Quốc Anh, xét về mặt bằng giá, trong gần 6 tháng đầu năm, giá vẫn tăng rất tốt. Cụ thể, chung cư đã tăng giá 11%, đất tăng giá 6 - 8%, đất nền dự án tăng giá trên 10%, nhà riêng và nhà mặt phố tăng giá gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
“Mặc dù, có nhiều thông tin thị trường đối mặt với khó khăn nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức rất tốt”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm cho rằng có dấu hiệu chững lại của thị trường, tuy nhiên bà Dung Phạm - Tổng giám đốc Bất động sản Đông Dương Land cho rằng, tùy từng phân khúc không phải phân khúc nào cũng chững.
Đối với sản phẩm đất nền và biệt thự ở Hà Nội đã ghi nhận tình trạng sụt giảm giao dịch so với những tháng trước. Tuy nhiên những sản phẩm nghỉ dưỡng ven đô, sản phẩm cho thuê, sản phẩm có pháp lý tốt và chủ đầu tư uy tín thì vẫn có lượng giao dịch rất tốt.
Ông Quốc Anh chia sẻ thêm, trước những biến động của thị trường, nhiều nhà đầu tư có tâm lý cho rằng thị trường có dấu hiệu đóng băng, giá sẽ giảm. "Liệu giá bất động sản có giảm hay không? Đó là câu hỏi ai cũng muốn trả lời nhưng thực chất đầu tư bất động sản dựa trên quan điểm đầu tư. Đa phần người mua bất động sản là đầu tư dài hạn vì vậy tâm lý đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngắn hạn như dịch bệnh và các yếu tố khác.
“Điều này có thể lý giải qua 2 năm dịch bệnh nhưng giá bất động sản vẫn tăng. Vì Covid-19 là yếu tố ngắn hạn còn đầu tư là dài hạn. Có một câu nói rất hay: Không nên bán rẻ tài sản của chúng ta. Chúng ta đầu tư kỳ vọng 3-5 năm, thậm chí đầu tư 10 năm thì không có lý do gì để bán. Hoặc các yếu tố ảnh hưởng khác, các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ hết trong 2-3 năm, sau đó thị trường sẽ quay lại”, ông Quốc Anh cho hay.
Theo ông Quốc Anh, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng giá bất động sản tăng hay không tăng là cầu của thị trường. Cung - cầu quyết định về giá, cầu của chúng ta rất lớn. Thị trường bất động sản nói sôi động nhưng chủ yếu sôi động ở hai đầu Hà Nội và TP.HCM. 80% lượng giao dịch, tìm kiếm đến từ hai cầu này.
“Tốc độ đô thị hóa từ Hà Nội và TP.HCM rất lớn, dẫn đến cầu đến từ thành phố rất cao, mỗi năm cần khoảng 70.000 căn hộ để đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, giao dịch quý vừa rồi chỉ ở mức 5.000 - 10.000 căn hộ - quá bé so với nhu cầu. Nhu cầu lớn thì giá không thể giảm được. Không riêng Việt Nam mà cả thị trường Hàn Quốc, Úc cũng không giải quyết được bài toán này”, ông Quốc Anh lý giải vì sao giao dịch chững lại nhưng giá vẫn cao.
Tuy nhiên vị này cũng cho rằng, đó chỉ là nói chung về thị trường còn chúng ta cũng cần bóc tách từng khu này, loại hình. Những khu vực không tăng giá theo giá trị thật mà tăng theo kiểu “nước lên thuyền lên” thì có thể sẽ có sự điều chỉnh lại giá cho phù hợp hơn.
Phương Hoàng
Theo Nhịp sống kinh tế