Áp niên hạn sở hữu chung cư: Không cần thiết!
Có chung cư dự kiến 70 năm nhưng bảo dưỡng không tốt thì 30 năm đã xuống cấp, ngược lại chung cư bảo dưỡng tốt có thể tồn tại hơn 100 năm.
Tại buổi đối thoại chủ đề: "Sở hữu chung cư : Có cần thời hạn?" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 20-6, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Phát triển Nhà ở CBRE Việt Nam, nhận định việc Bộ Xây dựng dự thảo Luật Nhà ở, trong đó áp niên hạn sở hữu chung cư sẽ tạo nên tâm lý bất ổn cho người mua.
Bởi, niên hạn công trình không có nhiều ý nghĩa. Một sản phẩm chung cư quy định 50 năm hay 70 năm chỉ là con số lý thuyết. Công trình tồn tại lâu hay dài không chỉ dựa vào thiết kế thi công, nguyên vật liệu mà còn phụ thuộc vào quá trình bảo trì bảo dưỡng. Có chung cư dự kiến 70 năm nhưng bảo dưỡng không tốt thì 30 năm đã xuống cấp, ngược lại chung cư bảo dưỡng tốt có thể tồn tại hơn 100 năm.
"Niên hạn là con số xác định chất lượng công trình tương đối còn thực tế như nào cần thẩm định đánh giá định kỳ. Áp niên hạn quyền sở hữu tạo nên tâm lý bất ổn với người sở hữu, nhiều sản phẩm chung cư hiện nay bán ra thị trường có thể có sở hữu 30-40 năm thì bản thân người mua đã băn khoăn rồi chưa kể tài sản của họ được sở hữu đúng thời hạn" - ông Kiệt nêu.
Một khu căn hộ tại TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP HCM, cho hay pháp luật Việt Nam không có quy định nào về sở hữu có thời hạn. Theo LS Phượng, có thể Bộ Xây dựng đang hiểu sai vấn đề quyền sở hữu (quyền sở hữu không có thời hạn).
"Nhà chung cư không được sử dụng thì vẫn thuộc sở hữu của người ta. Giống trường hợp người dân có quyền sử dụng đất mà không sử dụng thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân đó, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi. Như vậy, kể cả sau này, Luật Đất đai được sửa đổi đề phù hợp với dự thảo của Luật Nhà ở trên thì quan điểm của Bộ Xây dựng cũng không đúng với khoa học pháp lý, không đúng với Bộ Luật dân sự" - ông Phượng nói.
Song ông Phượng cũng lưu ý dù có quy định như thế nào đi chăng nữa, tâm lý người mua bị ảnh hưởng thì khi nguồn cung hạn chế, người dân vẫn buộc phải mua.
Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển, DKRA Việt Nam - cũng cho rằng nếu có việc sở hữu chung cư có thời hạn thì người có đủ tài chính, điều kiện chắc chắn không lựa chọn mà họ sẽ chọn sản phẩm có thời hạn vĩnh việc.
Ở góc nhìn khác, TS Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nếu làm nhà có niên hạn 50-70 năm nhưng giá tốt, giá rẻ hơn nhà ở thương mại trên thị trường nhiều thì có thể vẫn thu hút người mua như chung cư Lê Thành vì nó đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân chưa có nhà ở.
Theo S. Nhung. Ảnh: Tấn Thạnh
Người lao động