"Bảng giá đất mới không tác động nhiều đến thị trường bất động sản Hà Nội vốn "tăng ảo, sốt nóng" thời gian qua"

Dec 26, 2024 - 09:58
Dec 26, 2024 - 09:58
 0  3
"Bảng giá đất mới không tác động nhiều đến thị trường bất động sản Hà Nội vốn "tăng ảo, sốt nóng" thời gian qua"
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 đánh giá về tác động của bảng giá đất mới đến thị trường bất động sản Hà Nội.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành bảng giá đất điều chỉnh áp dụng từ 20/12 đến hết ngày 31/12/2025. So với bảng giá đất cũ, bảng giá đất điều chỉnh cao gấp 2-6 lần.

Trao đổi với ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn G6 - cho rằng, bảng giá đất mới cao hơn khá nhiều bảng giá đất cũ nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Do đó, bảng giá đất mới không tác động nhiều đến thị trường bất động sản Hà Nội vốn "tăng ảo, sốt nóng" thời gian qua.

Tuy nhiên, vị này nhận định, bảng giá đất mới này lại có ý nghĩa rất nhiều trong việc xây dựng giá khởi điểm trong công tác đấu giá đất vốn bất cập trong thời gian qua ở Hà Nội. Cụ thể, bảng giá đất mới sẽ làm giá khởi điểm tăng lên, số tiền đặt cọc nhiều hơn, lượng hồ sơ nộp sẽ ít hơn qua đó thanh lọc được nhiều khách hàng không có năng lực tài chính mua mà chỉ đủ tiền đặt cọc hoặc rải nhiều hồ sơ khiến công tác đấu giá gặp nhiều khó khăn, bị biến tướng.

"Việc đền bù lâu nay ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung gặp nhiều khó khăn do khung giá đất thấp khiến cho bảng giá đền bù thấp khiến người dân không đồng thuận trong việc di rời. Bảng giá đất nâng lên tuy chưa tiếp cận giá thị trường nhưng tôi chắc chắn rằng nhiều người dân đang bị thu hồi đất sẽ vui mừng do số tiền được nhận nhiều hơn, đỡ thiệt thòi hơn", ông Quê chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Quê cũng cho rằng, việc tính giá đất cho các dự án nhiều năm qua bị kéo dài, đặc biệt trong giai đoạn 2022-2024 do chờ Luật Đất đai mới. Việc ban hành bảng giá đất góp phần đẩy nhanh thủ tục đầu tư, nhà đầu tư cũng nhìn rõ hơn bài toán kinh doanh, cán bộ thực hiện công tác định giá đất cũng yên tâm trong việc chấp hành nhiệm vụ.

"Bảng giá đất mới là bản lề để ban hành bảng giá đất theo giá thị trường từ ngày 01/01/2026, góp phần hài hòa hơn lợi ích các chủ thể, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh", ông Quê nhấn mạnh.

Tại tờ trình về việc điều chỉnh bảng giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đánh giá: "Giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn mức cùng vị trí tại bảng giá đất của thành phố bình quân 250%".

Bảng giá đất cũng là cơ sở để tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao, cho thuê đất.

Việc bảng giá điều chỉnh đưa ra với mức cao hơn trước đây dẫn tới lo ngại sẽ làm tăng thuế, phí về đất đai. Tức là, hộ gia đình, cá nhân khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ phải nộp nghĩa vụ tài chính cao hơn trước.

Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho rằng bảng giá mới giúp giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.

Trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, cơ quan quản lý cho rằng thì cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.

Sở này cũng khẳng định bảng giá điều chỉnh không ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất. Ngược lại, nó góp phần tích cực trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư và phát triển Thủ đô.

"Quyền lợi của người bị thu hồi đất cũng được đảm bảo tốt hơn, khuyến khích người dân chấp hành chính sách giải phóng mặt bằng", Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lập luận.

Phương Hoàng

Nhịp sống thị trường