Tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở công nhân
Bộ Xây dựng cho biết một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà ở công nhân tiếp tục được sửa đổi tại Luật Nhà ở và các pháp luật có liên quan.
Mới đây, cử tri tỉnh Hải Dương đã có nội dung kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Sửa đồng bộ các Luật
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho biết, để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội.
Các chính sách cụ thể như: Miễn tiền sử dụng đất; được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Do công nhân khu công nghiệp thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở, nên ngoài các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp thì họ này còn là nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.
Số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu m2, chỉ đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020. Để giải quyết một số tồn tại, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó đã sửa đổi các quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục, hồ sơ chứng minh đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội .
Tuy nhiên, để đảm bảo đồng bộ quy định pháp luật, một số nội dung vướng mắc trong phát triển nhà công nhân phải tiếp tục được sửa đổi tại Luật Nhà ở và các pháp luật có liên quan, do vậy Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ về việc sửa đổi Luật Nhà ở 2014.
Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023 (văn bản số 906/TB-TTKQH ngày 21/4/2022 của Tổng thư ký Quốc Hội).
Gỡ "nút thắt" thủ tục đầu tư
Được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, ngày 11/1/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, giao Chính phủ tập trung tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Nhà ở công nhân không chỉ là việc xây dựng những tòa nhà mà cần quan tâm đến cả các thiết chế công đoàn, sinh hoạt, đời sống của công nhân tại khu nhà ở (Ảnh: Lê Sáng)
Trong các thông tin chia sẻ trước đó, Bộ Xây dựng cũng cho biết, chính sách dành cho nhà ở công nhân sẽ được tách riêng khỏi nhà ở xã hội. Theo các chuyên gia, các nỗ lực trên sắp tới sẽ tác động mạnh đến việc phát triển nhà ở công nhân, trong đó bài toán "vốn mồi" đã cơ bản được giải quyết.
Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản cần được tháo gỡ. Trong đó, một số doanh nghiệp bày tỏ cần có những cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn trên, đơn giản thủ tục hành chính, giải ngân sớm để không làm trễ tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, chồng chéo trong Luật khiến việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp kém hấp dẫn doanh nghiệp. Theo các địa phương, khi lập quy hoạch KCN, tính toán dự báo số lượng công nhân tại KCN có nhu cầu về chỗ ở (từ 50-60% số lượng công nhân ), từ đó bố trí đủ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở cho công nhân.
Bên cạnh đó, cần gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân và được xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật KCN mà chủ đầu tư thực hiện.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nhà ở công nhân không chỉ là việc xây dựng những tòa nhà cho công nhân mà cần quan tâm đến cả các thiết chế công đoàn, sinh hoạt, đời sống của công nhân tại khu nhà ở.
Thực tế nhiều dự án nhà ở công nhân đến nay xây xong vẫn vắng bóng người. Đơn cử như tại khu công nghiệp Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) có đến 100 nghìn công nhân, nhưng số lượng lao động vào các khu nhà ở chỉ khoảng 10 nghìn người, còn lại hơn 90 nghìn công nhân là thuê nhà trọ.
Trên cương vị doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, ông Trần Đức Lợi - Tổng giám đốc Tập đoàn Sakae Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu thí điểm mô hình tại Việt Nam về nhà ở công nhân dựa trên sự nghiên cứu những điểm tương đồng với thị trường Singapore.
Cụ thể, nguyên tắc quy hoạch chính của các khu nhà ở này bao gồm: Khu vực phát triển tích hợp với kết nối không đứt đoạn; đô thị đáng sống và dành cho người đi bộ; không gian sử dụng hỗn hợp nén và sôi động; bền vững về môi trường.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp cũng cho rằng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp được xây dựng tiếp theo cần chú ý đến thói quen sinh hoạt, văn hóa… của người lao động, quan tâm hơn đến vai trò, vị trí của công nhân, để có thể thu hút, lấp đầy các dự án.
Diệu Hoa
Diễn đàn doanh nghiệp
https://diendandoanhnghiep.vn/go-nut-that-nha-o-cong-nhan-228827.html