Shophouse Đà Nẵng hàng chục tỷ ế ẩm khi thị trường gặp khó
Đã có thời, tại Đà Nẵng, shophouse được ví như “hố hút tiền” của những nhà đầu tư khi có khả năng cho thuê, tạo ra dòng tiền. Nhưng đến nay, nhiều dãy shophouse trị giá hàng chục tỷ đồng vẫn ế ẩm, bỏ hoang.
2015 là năm khởi đầu cho sản phẩm bất động sản mang tên “shophouse” ra đời. Bùng nổ mạnh mẽ từ năm 2016 -2019, shophouse từng được ví như "kênh đầu tư vua" trên thị trường Đà Nẵng khi thanh khoản và mức giá tăng tỷ lệ thuận.
Đó là thời, các dự án mọc lên, dù nằm ở ven thành phố, chủ đầu tư cũng xây shophouse chào bán. Khi đó, những nhân viên kinh doanh địa ốc ở Đà Nẵng thường chào khách bằng hàng loạt mỹ từ miêu tả như: Tuyến phố thương mại sầm uất, nhà phố thương mại vị trí vàng tại TP.Đà Nẵng, shophouse hạng sang…
Đây là những căn shophouse trên đường Nguyễn Phước Lan kéo dài (thành phố Đà Nẵng).
Một nhà đầu tư ở Hà Nội kể lại rằng: "Năm 2018, môi giới chào bán rầm rộ nhà phố trên tuyến đường khu vực Liên Chiểu như shophouse Lakeside, shophouse thuộc dự án Dragon Smart City, shophouse Marina đường Lê Văn Duyệt (Trần Hưng Đạo nối dài).
Shophouse thuộc dự án Dragon Smart City.
Shophouse Marina từng là tâm điểm của giới đầu tư khi được quảng cáo nằm ở vị trí vàng.
Theo chị Ngọc (môi giới Đà Nẵng), có thời điểm, chủ đầu tư cho một loạt các sàn bất động sản thuê giá rẻ. Tuy nhiên, khi thị trường trầm lắng, các sàn bất động sản lần lượt rời đi. Hiện tại, chỉ một số sàn “trụ” lại với tấm biển treo lên.
Nằm ở phía Nam Đà Nẵng, nơi từng được mệnh danh là “điểm đến của giới đầu tư” thời sốt đất, những dự án “mọc” lên san sát. Đi qua những con đường bê tông, hai bên là lô đất cỏ mọc um tùm, một số dãy shophouse Homeland Paradise nằm bơ vơ và hoang hoá.
Thời điểm rao bán, giá dao động không dưới 5 tỷ đồng/căn shophouse chỉ hoàn thiện phần thô. Hiện tại, giá trên thị trường rao bán ước tính trung bình 4-5 tỷ đồng, giao dịch không phát sinh.
Shophouse Homeland Paradise
"Ở khu vực ven sông Cổ Cò, loạt shophouse với những cái tên mỹ miều như shophouse Tropical Palm cũng được giới thiệu và rao bán rầm rộ. Họ cho rằng, trong tương lai, dải đất ven sông này sẽ trở thành “đất vàng” khi hạ tầng hoàn thiện, giao thông kết nối. Nếu không mua sớm, nhà đầu tư bỏ lỡ cơ hội vàng. Song, đến nay, dãy shophouse này vẫn im lìm, phủ bụi", chị Ngọc cho biết thêm.
Shophouse Tropical Palm
Shophouse Tropical Palm được ví là một trong "hố chôn tiền" của nhà đầu tư. Thời sốt đất, giá căn shophouse này được rao bán gần 10 tỷ đồng.
Cách bức tường bê tông là hình ảnh "thiên đường Cổ Cò" mà môi giới từng quảng cáo.
Lý do khiến giá căn shophouse này tăng bởi nhiều nhân viên sale quảng cáo với khách hàng vị trí dãy nhà phố này sát “thiên đường Cổ Cò”. Song đến nay, “thiên đường Cổ Cò” vẫn chỉ là cát và cỏ. Còn dãy shophouse cũng hoang hóa không bóng người.
“Không bóng cư dân đến ở, xung quanh chỉ là lô đất đầy cỏ, người mua shophouse tại khu vực này cũng khó để cho thuê. Vì họ thuê cũng không thể kinh doanh, buôn bán. Người đi qua lại khu vực này còn ít, lấy đâu ra người ở”, môi giới này cho hay.
Shophouse trên đường Nguyễn Sinh Sắc.
Những căn nhà để hoang, treo biển rao cho thuê từ nhiều năm nhưng vẫn vắng khách.
Trên đường Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), những căn shophouse cũng nằm “án binh bất động”. Đường Nguyễn Sinh Sắc còn được dân môi giới đầu tư gọi là trục đường 60m, nằm Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu, giao với đường Nguyễn Tất Thành, sát biển.
Vẻ hoang tàn của shophouse trên trục đường Nguyễn Phong SẮc.
Giá căn shophouse này ở thời điểm thị trường tốt từng định giá lên tới 18-25 tỷ đồng. Dự án này được chào bán từ năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, các căn nhà phố này vẫn nằm “đóng băng”. Chưa kể, dự án này từng dính lùm xùm khi nhiều khách hàng phản ánh đã đóng tiền đầy đủ nhưng chưa được giao sổ.
Chia sẻ về giao dịch của căn shophouse tại Đà Nẵng, chị Bùi Thiên Hương (Công ty CP Cen Miền Trung) cho biết: “Đa phần là nhà đầu tư mua shophouse để chờ tăng giá khách mua ở thực tế không có. Dù nằm trên những trục đường lớn, nhưng xa trung tâm thành phố, dân cư qua lại ít, không có những tiện ích kết nối và chỉ đơn thuần là những dãy nhà phố được gắn tên “shophouse thương mại” nên thanh khoản của loại hình này rất thấp.
Và thời gian qua, giao dịch shophouse dường như không phát sinh, đứt gãy thanh khoản, một số nhà đầu tư cắt lỗ vì ôm nợ, giảm rất sâu tới 50% nhưng không ai mua trong thời gian qua”.
Theo chị Hương, “Sự thất bại của phân khúc shophouse tại Đà Nẵng, đã cho thấy sự tăng trưởng bùng phát, nóng vội tạo nên những con sốt. Những shophouse Đà Nẵng đa phần được xây dựng ở vùng ven chưa phát triển sẽ rất khó khăn để đạt được tăng trưởng như kỳ vọng của nhà đầu tư”.
Bài và ảnh: Nhật Linh
Nhịp sống thị trường