Phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động đầu tư và kinh doanh homestay, farmstay

Jul 24, 2023 - 16:58
Jul 24, 2023 - 17:00
 0  15
Phát hiện nhiều vi phạm trong hoạt động đầu tư và kinh doanh homestay, farmstay
Homstay 9 căn nhà ở và nhà sàn hiện do Cty TNHH Khánh Dương - Măng Đen quản lý



Những năm gần đây, hàng loạt farmstay, homestay…mọc lên như nấm sau mưa ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành. Nhiều cơ sở kinh doanh trái phép, vi phạm trật tự xây dựng, đất đai quy mô lớn, nhưng chính quyền địa phương dường như bất lực.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, tỉnh Đắk Nông có khoảng 37 cơ sở homestay, farmstay. Trong đó, báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, chỉ có cơ sở “Lá homestay” (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil) được thẩm định đủ điều kiện phục vụ khách du lịch. Tại Đắk Lắk, Kon Tum, homestay nở rộ có nhiều vi phạm.

Anh C.T.A (SN 1995, trú xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cho rằng, cơ sở “BoBy Farm” do người này làm chủ, rộng gần 4.000m2, tiếp giáp hồ Đắk R’tih có đầy đủ giấy tờ pháp lý để hoạt động kinh doanh.

Theo xác minh của phóng viên, anh C.T.A chỉ có 200m2 đất ở tại thửa đất số 53, tờ bản đồ số 3 nhưng đã xây bể bơi, nhà…trên đất nông nghiệp vượt hạn mức (rộng gần 100m2) tại thửa số 52, tờ bản đồ số 3. Liên quan đến vấn đề trên, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Nhân Cơ nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Cũng tại Đắk Nông, du khách đặt chân đến đây đều ấn tượng với phong cảnh hồ Tà Đùng (xã Đắk Som, huyện Đắk G’long), nơi được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Thế nhưng, khu vực này đang bị xâm hại bởi những homestay, farmstay tự phát, phá nát cảnh quan tự nhiên.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) thừa nhận, trên địa bàn xã Đắk Som để xảy ra tình trạng nhiều cơ sở homestay, farmstay xây dựng trên đất nông nghiệp, hoạt động du lịch từ 2016 đến nay. Hiện chưa có quy hoạch, việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.

Tháng 6/2022, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành kết luận thanh tra số 140 liên quan công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som giai đoạn 2015-2021. Kết quả thanh tra, có tới 56 trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, xây nhà vượt diện tích đất ở; 1 trường hợp san ủi, làm đường trên đất quy hoạch 3 loại rừng.

Tại Đắk Lắk, hơn một năm nay, một con suối chảy qua địa phận thôn 13, xã Hòa Khánh (TP Buôn Ma Thuột) bị Cty CP Cốm Natural xây dựng, lấn chiếm hành lang an toàn để làm nơi kinh doanh cà phê, nhà hàng ăn uống, cắm trại...

Ông Phan Đức Lộc, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh cho biết, việc xử lý vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang suối đối với của Cty CP Cốm Natural gặp rất nhiều khó khăn. Đã nhiều lần, UBND xã Hòa Khánh liên hệ, gửi giấy mời qua đường bưu điện cho chủ doanh nghiệp này nhưng không có hồi âm.

“Địa phương đã đề nghị UBND TP Buôn Ma Thuột chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn, phối hợp với UBND xã Hòa Khánh ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế đối với các hạng mục sai phạm tại công trình này”, ông Phan Đức Lộc cho biết thêm.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, việc lấn chiếm, vi phạm hành lang các công trình chưa được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý triệt để.

Công an điều tra homestay nổi tiếng

Tại Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum vừa chỉ đạo chuyển hồ sơ, tài liệu đối với trường hợp sử dụng đất thuộc Dự án đầu tư khu nhà nghỉ- du lịch sinh thái tại thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) của Cty TNHH MTV Cao su Kon Tum (Cty Cao su Kon Tum).

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, ngày 21/8/2006, UBND tỉnh cho Cty Cao su Kon Tum thuê đất tại quyết định 937 để sử dụng vào mục đích xây dựng dự án trên với hình thức trả tiền hàng năm. UBND tỉnh Kon Tum đã ký hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 30.000m2 cho Cty Cao su Kon Tum để thực hiện dự án.

Ngày 13/6/2023, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum ban hành kết luận thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đai trong các lĩnh vực thu hút đầu tư (ngoài ngân sách Nhà nước) trên địa bàn huyện Kon Plông. Theo kết luận này, Cty Cao su Kon Tum bị kết luận không triển khai dự án đã được phê duyệt mà cho Cty CP Du lịch - Thương mại - Khách sạn Hưng Yên (Cty Khách sạn Hưng Yên) thuê lại sai quy định của Luật đất đai. Cty Khách sạn Hưng Yên xây dựng công trình trên đất của Cty Cao su Kon Tum thuê của nhà nước khi không đăng ký, chứng nhận tài sản trên đất; tự ý bán tài sản trên đất và quyền sử dụng đất cho Cty TNHH Khánh Dương - Măng Đen sai quy định. Sau đó, Cty TNHH Khánh Dương - Măng Đen chưa hoàn thiện thủ tục đất đai nhưng đã xây dựng công trình trên đất và tổ chức kinh doanh, thương mại dịch vụ là hành vi chiếm đất.

“UBND huyện Kon Plông đã cấp phép xây dựng cho Cty Khách sạn Hưng Yên để xây dựng công trình (khu nhà nghỉ - du lịch sinh thái) trên phần diện tích đất của Cty Cao su Kon Tum thuê của nhà nước là không đúng quy định”.

Hiện nay, Cty TNHH Khánh Dương - Măng Đen đã tiếp tục xây dựng các hạng mục công trình (homestay) trong vị trí đất vi phạm vừa nêu.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, các cơ sở homestay, farmstay tự phát ngày càng mở rộng và nhiều khiến cho việc quản lý, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.

“UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo không được để xảy ra tình trạng “bao che”, “bảo kê”, “làm ngơ” đối với những hoạt động xây dựng trái phép trên địa bàn tỉnh”, bà Hạnh cho biết thêm.

Chưa hoàn thiện pháp lý, vẫn đưa vào hoạt động

Tại khu vực Tây Bắc, ngoài các điểm du lịch cộng đồng làm homestay bài bản, theo quy hoạch cũng như tuân thủ các quy định pháp luật thì ở nhiều nơi, nhiều homestay chưa hoàn thiện pháp lý vẫn được đưa vào sử dụng.

Quá nửa homestay ở Yên Bái chưa đủ điều kiện vẫn hoạt động

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện có hơn 200 homestay đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại các địa phương có thế mạnh về du lịch như Yên Bình, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Trịnh Thế Bình - Trưởng phòng Văn hóa huyện Mù Cang Chải cho biết, huyện hiện có 104 homestay. Qua rà soát, kiểm tra, có hơn 40% đủ điều kiện kinh doanh lưu trú, đón khách du lịch. Hơn 50% các homestay còn lại tại huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái chưa hoàn thiện các thủ tục về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy…để cấp phép nhưng vẫn hoạt động.

Theo vị trưởng phòng, trước mắt, các homestay chưa đủ điều kiện huyện vẫn để cho hoạt động. Lý do bởi vào mùa du lịch, địa phương sẽ bị quá tải không đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của du khách. Tuy vậy, các phòng ban chuyên môn của huyện sẽ thường xuyên giám sát, tuyên truyền và hướng dẫn các chủ homestay sớm đầy đủ hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Tại huyện vùng cao Trạm Tấu (Yên Bái), thống kê của huyện cho thấy, trên địa bàn hiện có 26 cơ sở homestay đang hoạt động dù hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện. Theo bà Dương Phương Thảo - Trưởng phòng Văn hóa huyện Trạm Tấu, du lịch cộng đồng mới phát triển trong vài năm trở lại đây. Các homestay khi xây dựng đòi hỏi phải lựa chọn ở các vị trí có cảnh quan rộng, tầm nhìn đẹp không bị che lấp nhằm thu hút du khách.

Do đó, một số công trình xây dựng tại các homestay này chưa được chuyển đổi theo đúng mục đích sử dụng đất. Ngay cả một số homestay lớn đang hoạt động trên địa bàn như Suối khoáng Trạm Tấu, Laucamping cũng chưa đủ các thủ tục nhưng huyện vẫn cho phép vận hành nhằm thu hút khách du lịch đến địa bàn.

Sa Pa ra “trát” rà soát các cơ sở kinh doanh homestay

Là một điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Bắc, Sa Pa (Lào Cai) cũng chứng kiến sự phát triển nóng của loại hình kinh doanh homestay. Thống kê của Sa Pa cho thấy, số cơ sở homestay có sự gia tăng mạnh mẽ. Năm 2010, Sa Pa chỉ có 94 homestay. Đến năm 2015, con số này là 108, năm 2019 là 306 và năm 2022 là 364 cơ sở.

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, pháp luật về đất đai, đặc biệt việc xây dựng homestay tràn lan, mới đây, UBND thị xã Sa Pa đã ban hành kế hoạch 127 triển khai thực hiện lập lại kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Theo đó, lực lượng chức năng sẽ rà soát việc tuân thủ quy định pháp luật về đất đai, xây dựng đối với các điểm kinh doanh du lịch, các mô hình homestay. Trường hợp công trình xây dựng trái phép vẫn nằm trong vùng phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng như chấp hành các điều kiện khác, sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho phép khắc phục. Các trường hợp không đủ điều kiện khắc phục vi phạm sẽ bị yêu cầu tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ.

Hơn 50% các homestay còn lại tại huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái chưa hoàn thiện các thủ tục về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy…để cấp phép nhưng vẫn hoạt động.

Đưa các điểm nóng xây dựng homestay trái phép lên nghị trường

Ngày 19/7/2023, tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV, phiên chất vấn và trả lời chất vấn nóng với vấn đề quản lý trật tự xây dựng các homestay trên địa bàn huyện Mộc Châu và xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên).

Trả lời chất vấn, ông Phùng Kim Sơn, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết, các khu vực đang trên đà phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, đặc biệt đối với lĩnh vực du lịch như xã Tà Xùa (huyện Bắc Yên), huyện Mộc Châu còn xảy ra tình trạng các hộ gia đình, cá nhân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.

Nhiều homestay tại khu vực Tây Bắc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Nhiều chủ công trình không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 khi xây dựng công trình trên đất, không đúng mục đích sử dụng đất, không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, không thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Hiện tại, Sở TN&MT đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Bắc Yên triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao tại Kết luận số 10/KL-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về thanh tra việc quản lý đất đai và trật tự xây dựng đối với UBND huyện Bắc Yên và các đơn vị có liên quan.

Sở cũng chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức ký cam kết của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có trách nhiệm thực hiện hiệu quả quản lý đất đai.

 

Theo Lê Tiền- Khả Hưng-Hân Nguyễn - Văn Đức

Tiền phong