Phân tích lợi và hại khi nhà nằm ở những khúc đường cong

Jul 14, 2023 - 00:32
Jul 14, 2023 - 00:34
 0  52
Phân tích lợi và hại khi nhà nằm ở những khúc đường cong

Khúc đường cong cũng giống như dòng sông uốn lượn tạo nên hình thế phong thủy. Tuy nhiên, tính chất tốt xấu còn phụ thuộc ngôi nhà nằm ở phía đường nào, vòng trong hay vòng ngoài, tức “bên bồi” hay “bên lở”?

Thuật Phong thủy chính là xem xét hai yếu tố chính là gió và nước. Gió là vô hình, nước là hữu hình. Hơn nữa, nước lại là nơi kết tụ của khí (khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng), vì vậy trong phong thủy rất coi trọng yếu tố nước. Trong nước thì những dòng nước chảy được quan tâm đầu tiên, bởi nó vừa là nơi dẫn khí, tụ khí, lại vừa quyết định tính chất của khí thông qua tốc độ và hình thể của dòng nước.

Xem xét phong thủy phải căn cứ vào nhiều yếu tố như địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu…, nhưng đại thể xét về thủy nói chung và dòng nước nói riêng thì những nơi nước chảy xiết, đâm thẳng, cuốn đi là xấu, là hung, nơi nước chảy vòng vèo uốn khúc bao quanh hữu tình là đẹp, là cát. Lại nữa, ở những nơi có nước uốn lượn, nhất là khúc sông cong hình cánh cung thì lại phải chọn phía bờ cong vòng trong (bên bồi) mới tốt, còn vòng cong ngoài (bên lở) lại chứa nhiều sát khí, không có lợi. Đây chính là nguyên tắc chọn đất theo bên bồi, bên lở theo dòng chảy của nước, cũng là cách xét phong thủy dựa vào long mạch vậyDựa vào nguyên tắc “bên bồi bên lở” này, ta có thể áp dụng trong nhiều trường hợp khác chứ không phải chỉ đối với phong thủy của dòng sông. Trong phong thủy có câu: “Cao nhất thốn vi sơn, hạ nhất thốn vi thủy”, nghĩa là cao một tấc cũng là núi, thấp một tấc cũng là sông (tấc ở đây là tấc đồng nhân, tức là thốn). Do đó, ở các đô thị và vùng nông thôn, nói chung là khu dân cư, các nhà phong thủy dựa vào các con đường để tìm long mạch.

Đường sá lúc này được coi là những dòng sông, có tính chất như dòng sông. Nước sông chảy làm long mạch vận hành lưu chuyển khí. Đường sá không có vật che chắn cũng là nơi để khí lưu chuyển chẳng khác gì dòng sông vậy. Xe cộ, con người đi lại trên đường càng làm tăng sự lưu chuyển của các dòng khí.

Có khác chăng là nước sông có thể làm cho khí dừng, tụ khí, còn khí lưu chuyển trên đường không thể tụ được, nên thường tạo ra dòng khí mạnh. Chính vì vậy ở những thành phố lớn, nơi có những nút giao thông rộng, lượng phương tiện đông đúc và giao cắt nhiều tạo nên xung đột lớn, người ta thường làm bùng binh, đảo giao thông ở giữa và có khi còn có cả đài phun nước để điều hòa dòng khí cho mềm mại hơn, đỡ tạo ra xung sát.  

Những nhà ở góc ngã tư thường có góc nhọn đâm thẳng ra giao lộ, tạo sát khí mạnh. Vì vậy, nhiều người khi xây dựng thường không xây hết đất (vì như thế sẽ tạo góc nhọn) mà ở điểm góc này cắt vát tạo thành một cạnh như trong hình bát giác. Điều này có nhiều điểm lợi, vì hình bát giác là hình dạng phong thủy tốt để tạo sinh khí. Mặt khác, cạnh vát này sẽ làm cho dòng khí di chuyển đến đây mềm mại, uyển chuyển hơn, không tạo ra xung sát, đồng thời tránh được góc nhọn đâm trực tiếp ra giao lộ tạo sát khí.

Có công trình còn đặt phía ngoài cạnh vát này một bình phong (bàng đá, bê tông hoặc rặng cây xanh…) để che chắn, có khi còn đặt bể nước cùng tiểu cảnh để giảm sự xung sát của khí. Trong thực tế, cạnh vát này sẽ làm cho tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không bị che khuất nên cũng giảm được va chạm giữa các phương tiện lưu thông.

Ảnh minh họa.

Còn nhìn chung, để có thể tạo điểm tụ khí theo các con đường, cần có một trong hai điều kiện, đó là tạo ra các hồ nước, bể nước hoặc là con đường uốn lượn tạo thành những đường cong hình cánh cung. Vì vậy, những nhà hàng, trụ sở nếu có khuôn viên rộng thường làm bể nước nhỏ phía trước để giảm bớt dòng khí mạnh và đồng thời làm nơi tụ khí. Cũng có nơi đặt quả cầu và thác nước phong thủy ở sảnh cũng là nhằm mục đích này.

Còn về khúc đường cong, đây chính là tiền đề để tạo hình thế phong thủy tốt. Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, điều kiện đủ còn là xét xem địa điểm nằm về phía nào của khúc đường cong. Trong trường hợp này cần áp dụng nguyên lý bên bồi bên lở của dòng nước đã đề cập ở phần đầu để xem xét. Lúc này, con đường như dòng sông, phía đường vòng trong là “bên bồi” và phía đường vòng cung ngoài là “bên lở”.

Bên bồi sẽ nhận được sinh khí còn bên lở sẽ có nhiều sát khí, không có lợi. Xét về thực tế và cơ sở khoa học, các phương tiện đi đến đoạn đường cong sẽ sinh ra lực ly tâm có xu hướng văng ra khỏi quỹ đạo theo đường thẳng tiếp tuyến với đường tròn và đích chính là phía đường bên lở. Vì vậy, ngôi nhà ở vị trí vòng ngoài của khúc đường cong có phong thủy rất xấu.

Tuy nhiên, ngay ở bên bồi thì các điểm tốt xấu cũng không giống nhau. Thông thường những nhà ở khoảng giữa cánh cung là tốt nhất, còn ở hai đầu cánh cung đều không tốt, bởi nó lại bị đoạn đường thẳng trước khi đến đoạn cong này đâm thẳng vào, và về thực chất nó lại là ở về bên lở của khúc đường cong theo chiều ngược lại.

Để khắc phục tình huống này và tình huống nhà ở về “bên lở” của khúc đường cong, người ta thường trồng cây xanh trước cửa để giảm sự xung sát của luồng khí mạnh. Trong tình huống này, cây xanh vừa như bức bình phong che chắn làm giảm sát khí, lại vừa có tác dụng tụ khí, vì cây thuộc mộc, mà mộc là do thủy sinh cho nên nguồn gốc của cây là nước, có cây là có nước vậy./.

 St.