PGS.TS Trần Đình Thiên: Những doanh nghiệp khác biệt sẽ làm cho Đà Nẵng trở nên khác biệt
Trao đổi bên lề Tọa Đàm "Đà Nẵng: Thành phố đáng sống - đáng đến - đáng đầu tư", PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Đà Nẵng đã hoàn thành sứ mệnh là nơi đáng đến, nhưng cần phải vươn mình trở thành nơi đáng sống tầm cỡ quốc tế. Có như thế, Đà Nẵng mới không tụt hậu.
Thưa ông, đánh giá về những kỳ tích của Đà Nẵng, ông cho rằng điều gì là quan trọng nhất trong suốt 2 thập kỷ qua?
25 năm qua Đà Nẵng phát triển rất huy hoàng. Tôi nghĩ ở Việt Nam ít có địa phương nào được như thế. Tôi còn nhớ, năm 1992, nhìn từ cửa sổ máy bay cả Đà Nẵng không có bóng dáng một toà nhà cao tầng. Đà Nẵng 25 năm sau vươn dậy, định hình chân dung hiện đại – đẳng cấp và đầy bản sắc.
Nền tảng cho sự thành công của Đà Nẵng phải kể đến bảng xếp hạng PCI sáng rực. 16 năm xếp hạng PCI (2006-2021), Đà Nẵng có 7 năm xếp thứ Nhất, 3 năm thứ Hai, 1 năm thứ Tư, 4 năm thứ Năm và chỉ 1 năm (2012) xếp thứ Mười Hai. Đây được xem là bảng thành tích thể chế "vô đối", cả về tầm cao lẫn độ "trường kỳ".
Ông kỳ vọng gì ở Đà Nẵng hôm nay?
Đà Nẵng đã làm tốt sứ mệnh trở thành một nơi đáng đến nhưng cần trở thành một nơi đáng sống, thu hút nhân sự tài năng đến làm việc và cống hiến. Đà Nẵng phải luôn đặt trong vị thế đua tranh quốc tế, với định vị như một trung tâm hàng đầu về công nghệ số. Như vậy mới bứt phá trong tương lai.
Ngoài ra, Đà Nẵng không nên chỉ lấy du lịch làm cách tiếp cận duy nhất. Đà Nẵng phải là thành phố đáng sống theo nghĩa toàn "anh hùng" chọn là nơi để sống – đó mới là sự sáng tạo, đột phá. Đây phải là mảnh đất cho những người tài đến sinh sống, làm việc, bảo đảm cho họ sự tự do sáng tạo. Điều này cực kì quan trọng và cũng rất khó để thực hiện.
Để đặt mình trong vị thế đua tranh quốc tế, Đà Nẵng cần phải làm những gì trước tiên, thưa ông?
Đà Nẵng đang thiếu những tiện ích du lịch đẳng cấp. Đà Nẵng không có trực thăng cấp cứu, trực thăng di chuyển cho những người giàu chỉ đến công tác vài ngày cũng không có. Hay những cảng tàu biển, không chỉ là những tàu biển cho du thuyền hạng nhất mà cần phải là bến du thuyền hạng nhất, những điều trên chúng ta vẫn chưa có.
Đà Nẵng có sông Hàn rất đẹp chạy qua nhưng có lẽ mới chỉ dành cho tầng lớp trung lưu, chứ chưa phải là thành phố đẳng cấp bên những dòng sông, mang đến giá trị tận hưởng. Qua đó chúng ta thấy rằng Đà Nẵng vẫn còn có nhiều việc phải làm.
Đà Nẵng phải vươn lên, cũng giống như Singapore – từ một mảnh đất bùn lầy giờ đây đã trở thành hàng đầu thế giới trong việc thu hút các nhà đầu tư quốc tế, thu hút du lịch.
Đà Nẵng cũng phải thay đổi theo hướng luôn mới lạ như Dubai. Các nhà đầu tư đến Dubai kiến tạo không một tòa nhà, khách sạn nào giống nhau. Mỗi nhà đầu tư đến phải có sản phẩm đẹp, mới lạ, nhiều giá trị hơn.
Ở Đà Nẵng chỉ riêng Sun Group đã làm rất hiện đại, rất đẹp, nhưng giờ đây phải có yêu cầu lớn hơn. Điều này đòi hỏi Đà Nẵng phải tạo ra những thách thức với các nhà đầu tư, đi kèm theo đó là các cơ chế, điều kiện hỗ trợ.
Đà Nẵng đã có những doanh nghiệp tiên phong, trong tương lai Đà Nẵng phải tiếp tục thu hút "đại bàng" thế nào thưa ông?
Tôi cho rằng địa phương nào biết nhìn về tương lai của mình thì phải đi săn "đại bàng" chứ không phải chờ "đại bàng" đến. Đà Nẵng như là một hình mẫu để thu hút đại bàng. Những doanh nghiệp khác biệt sẽ làm cho Đà Nẵng trở nên khác biệt. Miền Trung được ưu ái có bãi biển và bờ cát đẹp trải dài. Tuy nhiên, Đà Nẵng nhờ có Sun Group giúp sức đã biến những bờ cát đó trở nên thu hút tuyệt đối ở một đẳng cấp khác.
Khi Đà Nẵng mời được Sun Group vào, doanh nghiệp này đã giúp Đà Nẵng định hình chân dung tương lai của mình – chân dung khác biệt và đẳng cấp. Bà Nà hay Lễ hội pháo hoa quốc tế chưa ai làm được như Sun Group. Ngoài ra khách sạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort cũng rất đặc biệt.
Trong tương lai Đà Nẵng phải tiếp tục làm như thế, nhưng không đồng nghĩa với việc bỏ qua doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Đà Nẵng cũng phải là doanh nghiệp đẳng cấp, đó phải là một đội hình tương xứng với nhau, xứng đáng để toàn Thành phố Đà Nẵng đẳng cấp chứ không chỉ riêng một bộ phận nhỏ. Và sánh vai với quốc tế, như thế mới thực sự tốt.
Ông có hiến kế gì để phát triển du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn tới?
Đà Nẵng không phải đua tranh với các địa phương lân cận của Việt Nam mà là cuộc đua tranh với quốc tế. Cuộc đua tranh toàn cầu này đang thay đổi ghê gớm, ngay cả du lịch cũng đang thay đổi rất nhiều.
Nếu chỉ dừng lại với du lịch 0 đồng thì Đà Nẵng sẽ bị "vỡ trận" ngay. Bây giờ cần phải du lịch thông minh, du lịch liên quan đến MICE tức những hội nghị quốc tế tầm cỡ cao, những sàn diễn thời trang quốc tế hạng nhất, những hoạt động liên quan đến kinh tế số cũng phải tổ chức được. Thêm vào đó, thủ tục visa phải tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Là một mảnh đất tự do, đáng sống cho con người thì không nên tạo những ràng buộc. Đà Nẵng phải tiếp tục làm việc đó.
Đà Nẵng đã làm và khẳng định được bản lĩnh của mình. Ví dụ như PCI của Đà Nẵng luôn giữ ở vị trí cao của đất nước, điều mà không tỉnh thành nào làm được. Vì thế Đà Nẵng đang đi rất đúng hướng để thu hút các nhà đầu tư, những "tay chơi lớn". Sắp tới đây còn nhiều việc phải làm, mặc dù khi đang ở vị trí cao cũng không nên nghĩ mình đang ở đỉnh cao mãi được, như đợt dịch Covid đi qua, nếu không biết ứng phó, chống cự thì sẽ nhanh sụp đổ.
Kinh tế đêm có phải là một trong những việc Đà Nẵng phải làm gấp trong giai đoạn sắp tới không, thưa ông?
Làm kinh tế đêm khó hơn kinh tế ngày rất nhiều, chúng ta lâu nay đều tư duy kinh tế ngày. Tuy nhiên khi làm về kinh tế đêm sẽ thấy cấu trúc khác và phải phá bỏ nhiều quy tắc thông thường. Kinh tế đêm chủ yếu hướng tới dịch vụ, đáp ứng những nhu cầu như giải trí, mua sắm, chia sẻ văn hóa đẳng cấp cao,... Và chúng ta hiện nay chưa có điều đó, cần phải xuất hiện những nhà hát, sàn nhảy, quán bar xuyên đêm. Muốn làm được điều đó phải bảo đảm được an ninh, có những nguyên tắc về thuế, quy tắc hoạt động, cơ sở hạ tầng như thế nào.
Đà Nẵng hiện nay mới đề ra xây dựng đề án, nếu đi theo cách tiếp cận như trên cần kế hoạch triển khai tổng thể và mời một số doanh nghiệp lớn khởi động. Phải có doanh nghiệp lớn chúng ta mới chuyển các hoạt động kinh tế đêm thành một chuỗi liên kết, mạch lạc với nhau.
Khi muốn hướng tới cái mới, cái khó và mang tính đột phá thì chúng ta phải gạt bỏ được những quy tắc cũ. Để giải quyết những vấn đề khó cần hệ thống hỗ trợ, ưu đãi, ví dụ như bảo đảm an ninh và cho phép mọi người hoạt động ban đêm một cách tự do, định hình lại những quy tắc. Đó là những điều mà các nơi phải làm không riêng gì Đà Nẵng, và Đà Nẵng phải là thành phố đi tiên phong.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nhịp sống kinh tế
http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/pgsts-tran-dinh-thien-nhung-doanh-nghiep-khac-biet-se-lam-cho-da-nang-tro-nen-khac-biet-420221379575963.htm