Nơi học sinh bốc thăm để được đi học, đề nghị chủ các khu đô thị giao lại 7 ô đất để xây trường
Lo ngại thiếu trường học trầm trọng trên địa bàn phường Hoàng Liệt - nơi xảy ra tình trạng học sinh phải bốc thăm để được đi học nhưng đất xây trường lại bỏ hoang, UBND quận Hoàng Mai đề nghị chủ các khu đô thị bàn giao lại 7 ô đất cho quận xây trường công lập, còn 5 ô đất trường học thứ phát đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai nếu không sẽ kiên quyết thu hồi.
Đề nghị bàn giao lại 7 ô đất để xây trường
Theo báo cáo của UBND quận Hoàng Mai gửi Bí thư Hà Nội về tình hình triển khai các khu đô thị trên địa bàn, Tổng Công ty HUD được giao làm chủ đầu tư 6 khu đô thị gồm: Khu đô thị tập trung Định Công 35ha; Khu nhà ở Bắc Linh Đàm; Khu nhà ở Bắc Linh Đàm mở rộng; Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm; Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp; Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm.
Đối với tổng số 86 lô đất công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, Tổng Công ty HUD đã triển khai thực hiện 53 ô, còn lại 33 ô đất chưa triển khai theo quy hoạch.
UBND quận Hoàng Mai kiến nghị chủ đầu tư các khu đô thị bàn giao các ô đất quy hoạch xây trường bị bỏ hoang để địa phương đầu tư công, xây trường công lập ở phường Hoàng Liệt - nơi xảy ra tình trạng học sinh phải bốc thăm để được đi học. Ảnh minh họa.
Trong số 23 ô đất xây dựng trường học có 11 ô đã xây dựng hoàn thiện, còn lại 12 ô chưa được triển khai gồm 5 dự án thứ phát nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty và 7 ô đất trường học (tổng diện tích gần 8ha) do Tổng công ty quản lý.
Cụ thể, 7 ô đất quy hoạch trường học nhưng chưa được đầu tư gồm: C1/TH1 trường tiểu học, diện tích 1,3ha; C1/TH2 trường trung học cơ sở, diện tích 2,4ha; C1/NT3 trường mầm non, diện tích 0,6ha; C1/TH3 trường trung học phổ thông, diện tích 1,3ha; F5/TH3 trường trung học cơ sở, diện tích 0,73ha; F5/NT5, trường mầm non, diện tích 0,49ha và F4/TH2 trường tiểu học, diện tích 1,1ha.
Ngoài các ô đất để xây dựng trường học, hiện còn 11 ô đất công cộng, dịch vụ chưa được triển khai; 9 ô bãi đỗ xe chưa triển khai và 6 tuyến đường chưa được thực hiện đầu tư…
Lo ngại trước bối cảnh thiếu trường học trầm trọng nhưng đất xây trường lại bỏ hoang, UBND quận Hoàng Mai kiến nghị xin được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của quận đối với 7 ô đất trường học do Tổng công ty quản lý, còn 5 ô đất trường học thứ phát đề nghị TP chỉ đạo các nhà đầu tư sớm triển khai nếu không sẽ kiên quyết thu hồi.
Đồng thời, quận cũng đề nghị được đầu tư bằng vốn ngân sách quận với 24 lô đất cây xanh và một tuyến đường giao thông ven hồ Linh Đàm, nếu được Tổng Công ty HUD bàn giao đất.
Đối với 7 lô đất bãi đỗ xe và 6 lô đất thương mại dịch vụ công cộng, địa phương xin được đấu giá để tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hạ tầng khung trên địa bàn.
Chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, vướng GPMB
Liên quan đến việc chậm triển khai các lô đất trường học tại một số khu đô thị trên địa bàn phường Hoàng Liệt, trao đổi với Tiền Phong trước đó, phía Tổng công ty cho biết, nguyên nhân chậm triển khai xây dựng các trường học chủ yếu do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng.
Nguyên nhân chậm triển khai xây dựng các trường học chủ yếu do vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đầu tư xây dựng.
Theo đó, đối với các trường học tại lô đất TH3 và NT3 tại Khu đô thị mới Linh Đàm (ô đất ngay cạnh tổ hợp chung cư HH Linh Đàm, hiện đang làm bãi trông xe “khủng” - PV), theo Tổng Công ty HUD việc xây dựng trường học tại lô đất trên có phần chậm trễ do trước đây, năm 2006 TP Hà Nội có văn bản giới thiệu địa điểm xây dựng Bệnh viện thực hành Trường Đại học Y Hà Nội tại vị trí này.
Đến năm 2013, do việc xây dựng Bệnh viện tại khu vực này không còn phù hợp với các chủ trương của Chính phủ và định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, UBND TP Hà Nội có văn bản chấm dứt nghiên cứu xây dựng Bệnh viện thực hành của Trường Đại học Y để sử dụng lô đất này bổ sung quỹ đất xây dựng nhà trẻ và trường học phục vụ dân cư. Đến năm 2019, Hà Nội phê duyệt vị trí này có chức năng xây trường học và nhà trẻ.
“Hiện chủ trương đầu tư hai trường học này đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt. Khi được UBND TP quyết định chủ trương đầu tư, Tổng công ty HUD sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và triển khai thi công công trình”, đại diện Tổng công ty HUD cho biết.
Đối với các trường học tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp và Tây Nam Linh Đàm, phía Tổng công ty HUD cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai công tác xây dựng các trường học có chung vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB (chủ yếu liên quan đến việc di dời mồ mả của các hộ dân) và việc cập nhật, trình duyệt quy hoạch 1/500 theo Quy hoạch chung TP Hà Nội và Quy hoạch phân khu đô thị.
Để có thể hoàn thành công tác bồi thường GPMB, các thủ tục cập nhật quy hoạch và các thủ tục đầu tư xây dựng tại các trường học nêu trên Tổng công ty mong muốn nhận được sự đồng thuận của các hộ dân cũng như sự vào cuộc tích cực của các cơ quan có liên quan. Ngay sau khi hoàn thành công tác bồi thường GPMB và các thủ tục quy hoạch, chủ trương đầu tư và các thủ tục đầu tư xây dựng, Tổng công ty HUD sẽ tập trung nguồn lực để triển khai thi công công trình đưa vào sử dụng, phục vụ người dân.
Về đề nghị, bàn giao cho quận Hoàng Mai các ô đất công cộng, trường học tại các khu đô thị trên địa bàn phường Hoàng Liệt do Tổng công ty HUD đang quản lý, Bộ Xây dựng (cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại HUD) cho rằng, việc này "cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, đảm bảo lợi ích của người dân và nhà đầu tư". Do đó, theo Bộ Xây dựng, cần thời gian nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng.
Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty HUD tập trung, nghiêm túc, đẩy mạnh công tác chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư chậm triển khai. Đồng thời là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền của quận Hoàng Mai để sớm hoàn thành quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư tại các lô đất thuộc các dự án của Tổng công ty làm chủ đầu tư tại quận này.
Trước đó, vào ngày 27 và 28/8, hàng trăm phụ huynh đã tham dự buổi bốc thăm để giành suất vào Trường Mầm non Hoàng Liệt. Năm học 2022-2023, Trường Mầm non Hoàng Liệt nhận được 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi, tăng 100 hồ sơ so với dự kiến. Nhà trường dự kiến sẽ tuyển hết số học sinh này để đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học. Còn đối với trẻ 3-4 tuổi, nhà trường chỉ có thể tuyển thêm 333 trẻ/713 hồ sơ đăng ký. Như vậy, có gần 400 hồ sơ vượt chỉ tiêu. Do vậy, Trường Mầm non Hoàng Liệt phải tổ chức bốc thăm chọn các cháu may mắn được vào trường.
Theo Đình Phong
Tiền Phong
https://tienphong.vn/noi-hoc-sinh-boc-tham-de-duoc-di-hoc-de-nghi-chu-cac-khu-do-thi-giao-lai-7-o-dat-de-xay-truong-post1468228.tpo