Người Đức tuyệt vọng khi tìm nhà
Nguồn cung quá thấp, giá thuê tăng và thu nhập không đủ khiến ngày càng nhiều người Đức tuyệt vọng tìm kiếm nhà.
Người Đức có truyền thống thuê nhiều hơn mua nhà. Trong khi ở châu Âu, khoảng 70% dân số sở hữu ngôi nhà hoặc căn hộ mà họ sống, thì ở Đức chỉ có 46%. Ở các thành phố lớn, tỷ lệ này còn thấp hơn.
Nếu muốn thuê căn hộ đẹp tại vị trí tốt của Berlin, bạn phải cần rất nhiều tiền. Ví dụ, một căn hộ 4 phòng ở quận Charlottenburg rộng 182 m2 có sẵn nội thất sẽ có giá thuê 8.190 euro (8.947 USD) mỗi tháng. Cộng với chi phí sưởi ấm, điện và các chi phí phát sinh khác, chi phí lên tới hơn 50 euro mỗi m2.
Để tránh giá thuê leo thang, Bộ luật Dân sự Đức vào tháng 6/2015 đã đưa ra giới hạn giá thuê. Theo đó, khi ký hợp đồng thuê mới, giá thuê không được cao hơn 10% so với giá thuê so sánh tại địa phương.
Nhưng chủ nhà ở Berlin và các thành phố lớn khác đã tìm ra cách lách luật. Do quy định không áp dụng cho căn hộ được trang bị nội thất và hợp đồng ngắn hạn nên hiện hơn một nửa số căn hộ ở các thành phố này được chào thuê dạng "có sẵn nội thất".
Một gia đình Đức đi xem nhà. Ảnh: Rainer Hackenberg
Mức chi phí thuê từ 6,5 euro đến 7,5 euro mỗi m2 mỗi tháng được coi là chấp nhận được về mặt xã hội ở Đức. Nhưng với mức giá đó, bạn thậm chí không thể tìm được căn hộ nào ở ngoại ô Berlin để thuê trong những ngày này.
Thu nhập ròng - số tiền còn lại sau khi khấu trừ thuế và các khoản thanh toán an sinh xã hội - trung bình của người Đức là 2.165 euro mỗi tháng, theo Văn phòng Thống kê Liên bang. Khoảng một phần ba số này chi cho tiền thuê nhà nhưng vẫn thường không đủ.
Ở Munich, một m2 hiện có giá thuê 19 euro, ở Stuttgart là 18 euro. Trong khi, giá thuê Dusseldorf và Cologne dao động từ 12 đến 13 euro, cao hơn chút so với mức 11 euro tại Berlin. "Nhu cầu cao về nhà ở giá phải chăng đang đối mặt với đợt tăng giá lịch sử và nguồn cung thiếu thốn", một đánh giá gần đây trên cổng thông tin trực tuyến Immoscout24 viết.
Giá bất động sản đang tăng trên toàn thế giới. Nghiên cứu của Viện ifo và Viện Chính sách Kinh tế Thụy Sĩ phát hiện ra rằng giá bất động sản toàn cầu trung bình hàng năm có thể tăng 9% trong vòng 10 năm tới. Đối với Đức, con số đó là 7%. Nếu tính đến lãi suất tăng với các khoản vay, việc mua một ngôi nhà hoặc căn hộ trở nên không khả thi đối với nhiều người Đức.
Do không có lựa chọn để mua bất động sản, thuê là cách duy nhất. Điều này làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt trên thị trường nhà cho thuê, khiến giá tiếp tục leo thang. Lựa chọn hợp lý duy nhất là những ngôi nhà cũ, có hệ thống sưởi ấm bằng nhiên liệu hóa thạch lỗi thời.
Biểu tình phản đối tăng giá thuê nhà ở Berlin. Ảnh: Christophe Gateau
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu hệ thống Eduard Pestel, Đức đang thiếu hơn 700.000 căn hộ - đặc biệt là ở phân khúc bình dân. Chính phủ Đức đã công bố kế hoạch xây dựng 400.000 ngôi nhà mới mỗi năm. Trên thực tế, chỉ hơn một nửa sẽ đạt được trong năm nay và 2024, theo tính toán của Viện Nghiên cứu chu kỳ kinh doanh và kinh tế vĩ mô.
Xung đột Ukraine và lạm phát đẩy chi phí xây dựng lên cao. Thiếu công nhân lành nghề và vật liệu xây dựng khiến công việc đang bị tạm dừng tại nhiều công trường xây dựng. Ngày càng có nhiều người tranh giành những căn hộ giá rẻ còn lại.
Trong số những người tị nạn đến nước này vào năm 2015 - 2016, khoảng 25% vẫn đang sống trong các trại tị nạn do nhà nước điều hành vì chưa thể tìm được nơi ở riêng. Vào năm 2022, hơn một triệu người tị nạn Ukraine đã đến Đức. Năm nay, khoảng 300.000 người xin tị nạn dự kiến sẽ đến.
Việc xây dựng các căn hộ do nhà nước trợ cấp là một lựa chọn cho những người trong xã hội không đủ khả năng trả tiền thuê nhà. Nhưng Chính phủ Đức đã bỏ qua "chương trình nhà ở xã hội" trong nhiều thập kỷ.
Vào cuối năm 2022, cả nước này chỉ có dưới 1,1 triệu căn nhà ở xã hội, là mức thấp lịch sử. Đảng Cánh tả đã đề xuất một chương trình nhà ở công cộng và một quỹ đặc biệt dành cho nhà ở giá rẻ.
Nhưng chính phủ hiện tại vẫn muốn hạn chế vay nợ. Vào tháng 5, Bộ trưởng Xây dựng Klara Geywitz đã tăng trợ cấp chi phí thuê nhà và mở rộng nhóm người được hưởng trợ cấp này. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn được xem như chỉ là một giọt nước trong đại dương.
Các tổ chức phi chính phủ cảnh báo nhà ở đang trở thành một vấn đề mang tính tồn tại với nhiều người. Các nhà phê bình cảnh báo rằng cần phải có một động lực tài chính cho các nhà đầu tư bỏ tiền vào việc xây dựng nhà ở. Nhưng mọi thứ khó có thể cải thiện trong ngắn hạn trên thị trường nhà đất của Đức.
Anh Kỳ (theo DW)
Vnexpress.net