Kể từ khi lập gia đình, chị Lan Anh (Hà Nội) chia sẻ, bắt đầu suy nghĩ đến câu chuyện đầu tư vào đất.
Chị nhớ, thời điểm những năm 1994, 1995, một lô đất nằm ở thành phố Hải Dương chỉ có giá 2 cây vàng. Đến nay, lô đất đó nằm ngay ngã ba lớn của thành phố, có giá lên tới vài chục tỷ. Hay như năm 2009, một lô đất dịch vụ nằm trong khu đô thị mới Hải Dương có giá 200 triệu đồng thì hơn 10 năm sau, giá đã tăng lên tới 4 tỷ đồng.
“Tôi nhận thấy giá nhà đất tăng nhanh hơn so với thu nhập tích cóp được. Nhìn từ câu chuyện của bố mẹ tôi, khi có đủ khả năng để mua đất ở giai đoạn hơn 10 năm trước nhưng lại bỏ qua cơ hội. Thì đến hiện tại, với mức lương viên chức, rất chật vật để mua được lô đất tiền tỷ. Lạm phát gia tăng thì lựa chọn mua nhà đất như cách chống trượt giá”, chị Lan Anh chia sẻ.
Xác định quan điểm như vậy, năm 2015, thay vì mua căn chung cư, chị Lan Anh dồn tiền cưới mua lô đất ở Long Biên với giá 350 triệu đồng/m2. Đến năm 2017, chị bán lô đất lãi gấp đôi. Chị đổi sang mua thành 2 lô đất nhỏ, sử dụng thêm đòn bẩy tài chính với tỷ lệ 50%. Đến năm 2018, chị bán lãi thành công mỗi lô đất 50%. Thế nhưng, sau tính toán, chị thấy việc mua đất khá rủi ro với lo ngại khi thị trường chững lại. Cuối năm 2018, chị “săn mua” được căn nhà đất cấp 4 ở khu vực Nam Từ Liêm với giá 1,9 tỷ đồng. Sau đó chị bỏ thêm 100 triệu đồng sơn sửa lại và cho thuê với giá 2 triệu đồng/tháng.
Cuối năm 2020, nhờ khoản tiền tích trữ, cộng với lãi suất giảm, chị mua thêm căn nhà đất 3,2 tỷ đồng cũng ở Nam Từ Liêm. Căn nhà đất này diện tích 48m2, 3 tầng. Chị cho thuê với giá 5 triệu đồng/tháng. Căn nhà đất này chị có thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng.
Năm 2022, chị bán căn nhà đất (mua thời điểm năm 2018) với giá 3,2 tỷ đồng. Sau khi lãi suất ngân hàng tăng, chị chuyển toàn bộ tiền bán nhà vào gửi tiết kiệm. Đến đầu năm 2023, lãi suất tiết kiệm bắt đầu hạ, chị rút tiền chuyển sang mua nhà đất 4 tỷ đồng. Chị cho thuê với giá 7 triệu đồng/tháng.
Việc lựa chọn nhà đất và cho thuê, chị từng gặp một số phản đối từ người bạn. Họ cho rằng, bỏ tiền tỷ ra mua nhà, cho thuê nhặt “bạc lẻ”, thà gửi ngân hàng sẽ dễ dàng hơn.
Chị Lan Anh phân tích về quan điểm lựa chọn đầu tư của mình.
Thứ nhất, xác định mua nhà đất, người phụ nữ này coi đây như là cách chống trượt giá. Thế nên chị không quan tâm đến tỷ suất cho thuê của căn nhà. Mặc dù thừa nhận, mỗi lần tìm khách mới, chị phải bỏ tiền chục triệu để tu sửa lại căn nhà. Nhưng, khi nghĩ mua nhà đất là khoản tiết kiệm, đầu tư lâu dài, chống trượt giá thì cần xét trong khoảng thời gian trung bình 5 năm.
Thứ hai, về việc lựa chọn mua nhà đất, chị Lan Anh cho rằng: “Mua đất thanh khoản dễ nhưng chỉ dễ khi sốt đất. Nếu mua nhà đất, việc vay ngân hàng cũng dễ dàng. Tiền thuê nhà như khoản bù đắp lãi vay”. Đó cũng là lựa chọn hợp lý với người sử dụng đòn bẩy tài chính.
Thứ ba, về bài toán trả nợ, chị Lan Anh luôn tính toán, tiền thuê nhà tương đương tiền lãi ngân hàng hoặc bù đắp 60-70% tiền lãi ngân hàng. Điều này gỉam áp lực tài chính và an tâm với khoản thu nhập thụ động đều đặn trong tương lai.
Cũng theo chị Lan Anh: “Về lựa chọn không gia sống cho gia đình, tôi từng ở căn chung cư cũ của nhà bác họ cách xa trung tâm Hà Nội 15km. Chúng tôi được ở miễn phí. Mặc dù sau này mua được nhà đất, nhưng chúng tôi vẫn lựa chọn ở nhờ để tiết kiệm chi phí. Đến khoảng năm 2018, may mắn, tôi mua được căn chung cư cắt lỗ do chủ nhà thua lỗ trong vụ World Cup với giá 900 triệu đồng. Đến hiện tại, chúng tôi tiếp tục căn hộ xa trung tâm vì xác định không có nhu cầu đầu tư quá nhiều vào nơi ở hiện tại, chỉ cần tối giản, tập trung vào tạo dòng tiền thu nhập thụ động và trữ tiền vào bất động sản”.
Triệu Vương
Nhịp sống thị trường