Hoà Phát muốn đầu tư hai dự án khoảng 120.000 tỷ đồng tại Phú Yên
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát muốn đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm, với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng tại tỉnh Phú Yên.
UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế vừa có buổi làm việc với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát để nghe công ty trao đổi, tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã giới thiệu tổng quan về hoạt động sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Đồng thời, công ty bày tỏ mong muốn đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm, với tổng mức đầu tư khoảng 120.000 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng. Khi khi đi vào vận hành, dự án sẽ đóng góp ngân sách khoảng 6.000 tỷ đồng/năm, giải quyết khoảng 12.000 lao động.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Yên, mục tiêu đầu tư công nghiệp, cảng biển là cơ bản phù hợp với danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên; các dự án có quy mô lớn, tạo động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh trong thời gian đến và đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của thị xã Đông Hòa được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 1994/QĐ-UBND ngày 31/12/2021).
Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát mong muốn đầu tư dự án cảng biển Bãi Gốc và dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm. Ảnh: Báo Đầu Tư
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã hoan nghênh và ủng hộ đề xuất chủ trương đầu tư của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để sớm hiện thực hóa dự án tại địa phương, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm tổ trưởng, có nhiệm vụ theo dõi và chỉ đạo triển khai thực hiện.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh giao các ngành chức năng liên quan hỗ trợ, tạo các điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư tìm hiểu, khảo sát khu vực đề xuất, đặc biệt lưu ý Dự án đầu tư phải phù hợp quy hoạch và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường theo quy định.
Trước đó, tại Diễn đàn Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam năm 2022, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động số 23 ngày 26/3/2019 triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại tỉnh.
Qua gần 4 năm triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, khu vực ven biển của tỉnh Phú Yên phát triển mạnh, là đầu tàu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10,5%/năm; thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, đóng góp trên 65% giá trị GDP và trên 75% ngân sách tỉnh.
Công nghiệp ven biển từng bước phát triển; khu vực ven biển của tỉnh đã hình thành 5 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích hơn 460 ha, đã có hơn 80 dự án đầu tư, tỉ lệ đăng ký đầu tư lấp đầy khoảng 77%.
Đặc biệt, Khu kinh tế Nam Phú Yên là một trong 8 Khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước được đầu tư hạ tầng trương đối đồng bộ. Ngoài Cảng biển Vũng Rô được đầu tư, nâng cấp, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 DWT, năng lực khai thác hàng hóa đến nay đạt hơn 700.000 tấn/năm, Phú Yên còn có quy hoạch Cảng biển nước sâu Bãi Gốc tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn.
Theo Nguyễn Tri
Nhà đầu tư