Hà Nội: Bất chấp mưa gió, văn phòng công chứng tại nhiều khu vực ngoại thành vẫn kín khách
Trong những ngày qua, dù mưa gió, đường ngập nước nhưng nhiều khách hàng vẫn tới văn phòng công chứng và chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở các huyện ngoại thành Hà Nội để thực hiện thủ tục giao dịch BĐS.
Người dân đến làm thủ tục sổ đỏ tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Đan Phượng, (Ảnh: MarketTimes).
Đất ven đô đang ấm dần
Không chỉ các khu vực trung tâm, sức nóng đất nền, đất thổ cư đang lan sang khu vực ven đô, khiến khu vực này sôi động sau một thời gian ảm đạm.
Theo ghi nhận của MarketTimes, tại một văn phòng công chứng trên đường Tây Sơn, thị trấn Phùng, Đan Phượng (Hà Nội), đã gần giờ nghỉ trưa ngày 10/9/2024 nhưng khách hàng vẫn nườm nượp kéo đến làm các thủ tục để sang tên sổ đỏ đất đai.
Chị Trương Thu Ngân (Hoài Đức, Hà Nội) một chủ đất cho biết, chị xếp hàng từ 8h30 ngày 10/9 nhưng vẫn chưa đến lượt giao dịch. Văn phòng không còn chỗ ngồi đợi, nên phải ra ngoài đứng cho thoáng, nhưng chút nữa mưa, chật chội cũng phải vào.
Chia sẻ, chị Ngân cho biết thêm, trong tháng 9 này, đây là lần thứ 2 chị đến văn phòng công chứng làm thủ tục sang tên đất cho chủ mới vì trước đó đã đầu tư 2 lô đất tại xã Song Phượng và Trung Địch, cũng chưa có việc cần kíp chưa muốn bán, nhưng nhiều khách hàng tha thiết, hơn nữa vì người quen có nhu cầu ở thực nên chị chấp nhận bán.
Lô đất này ở Trung Địch ngõ ô tô không vào được có giá 48 triệu đồng/m2. (Ảnh: MarketTimes).
“Lô đất của tôi ở Song Phượng diện tích 60m2, ngõ ô tô tránh, 55 triệu đồng/m2, giá khá là hợp lý. Lô đất thổ cư ở Trung Địch ngõ ô tô đi qua, có giá 50 triệu đồng/m2. Bán xong tôi cũng chưa biết mua ở đâu, trong khi mỗi ngày giá một khác”, chị Ngân tâm sự.
Anh Lê Văn Long (Cầu Giấy, Hà Nội) một khách hàng đi mua đất chia sẻ, bản thân mình rất thích đất Đan Phượng do đi từ khu vực đó chạy thẳng về Cầu Giấy chỉ mất hơn 10km, đường quốc lộ to thẳng. Anh quê gốc Hà Nội, muốn có một chỗ yên tĩnh nghỉ ngơi khi về hưu, còn nhà ở Cầu Giấy cho con cái, nên đã quyết định mua một lô đất đấu giá ở Trung Địch giá 75 triệu đồng/m2.
“Lô đất này đầu năm có giá 60 triệu đồng/m2, biết là tăng tôi vẫn phải mua, vì e rằng đến đầu năm 2026 khi thành phố áp bảng giá mới thì giá sẽ không còn 75 triệu đồng/m2 nữa”, anh Long nói.
Những khách hàng đến giao dịch tại văn phòng công chứng này đều chung nhận định giá đất tại khu vực Hoài Đức, Đan Phượng sẽ không có giảm và chỉ có lên khi bảng giá mới thành phố sẽ áp trong hơn 1 năm nữa. Bên cạnh đó, hiện đất đấu giá ở Phúc Thọ, xa nội đô hơn Đan Phượng khá nhiều cũng từ 40-60 triệu đồng/m2 cộng thêm tiền chênh nữa, thì đất Đan Phượng vẫn còn hợp lý hơn.
Hơn 50% người được khảo sát sẽ mua đất
Trước đó, ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược của Batdongsan.com.vn nhận định, khả năng giá địa ốc sẽ tăng cao sau khi các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực. Trong đó, phân khúc đất nền sẽ bị tác động mạnh nhất do chịu thêm ảnh hưởng từ quy định cấm phân lô bán nền tại 105 thành phố và thị xã.
Những nhận định này đều đúng với những gì đã và đang diễn ra ở khu vực đất ven đô thời gian qua, thậm chí ngay cả trước khi các luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực.
Theo lịch sử giá giao dịch trên kênh thông tin Batdongsan.com.vn, đất Hoài Đức tháng 9 đã tăng từ 35-70% (tuỳ từng khu vực) so với 1 năm trước, còn đất Đan Phượng tăng từ 30-40% (tuỳ từng khu vực) so với 1 năm trước.
Khác với đất nền phân lô các tỉnh ven đô, thì đất nền ngoại ô Hà Nội hầu như pháp lý sạch, nhu cầu ở thật. Bởi hiện giá chung cư và nhà đất nội đô đã tăng vượt quá khả năng của người mua nhà, thậm chí nếu đầu tư thì giá cũng đã ở mức quá cao. Trong khi đó hiện giao thông kết nối ngoại ô với nội đô thuận tiện, di chuyển nhanh, tiềm năng tăng giá còn dư địa… thì việc nhà đầu tư “đổ xô” ra ngoại ô mua là chuyện bình thường.
Bà Phạm Thị Miền Phó, Viện trưởng Viện nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho biết, loại hình thấp tầng và đất nền cũng bắt đầu các tín hiệu phục hồi tích cực khi một số dự án ghi nhận kết quả mở bán, giao dịch chuyển nhượng khá tốt. Trong khi đó, tại Hà Nội, khu vực vùng ven cũng là nơi giá đất nền chứng kiến đà tăng từ 10 - 20% so với đầu năm.
Theo môi giới Chu Thị Giang (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, hiện nền, đất thổ cư tại Đan Phượng không nhiều, do đó có lô nào bán ra số lượng người đi xem rất đông. Vừa có một lô đất ở xã Đồng Tháp giá 56 triệu đồng/m2, ô tô vào nhà, mới rao từ sáng, chiều đã có người chốt.
"Sau khi giá chung cư Hà Nội lại tăng sốc thêm vào khoảng gần tháng nay thì mức quan tâm đến nhà đất cũng "tăng nhiệt". Thậm chí, sáng 7/9 trước khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ Hà Nội cũng có khách đi xem và đàm phán với chủ đất để đặt cọc. Khách họ rất thích đi xem đất trời mưa để xem khu vực đó có bị ngập không, thấy khu vực đó cao ráo họ chốt luôn”, chị Giang kể.
Theo khảo sát từ một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc và tích cực chuẩn bị mua nhà đất trong 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập trung lưu và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch.
Theo Hải Sơn
Nhịp sống thị trường