Đề nghị có cơ chế cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ, không vi phạm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Tạo sinh kế thay vì đưa tiền cho dân
Sáng 15/1, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự luật được chỉnh sửa theo hướng quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 1/7/2014.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: Như Ý.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tại Khoản 4, Điều 91 đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi. Theo đó, nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. Phương án hỗ trợ tạo việc làm tốt nhất, bền vững nhất không phải là đưa tiền cho người dân mà phải tạo sinh kế .
Theo ông Cường, nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất kinh doanh thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải bố trí quỹ đất phù hợp để tạo lập mặt bằng mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu thu hồi đất nông nghiệp mà người dân không có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp làm trong khu công nghiệp thì phải dành quỹ đất dịch vụ để tạo việc làm cho người nông dân. Như vậy, trong quy định về thu hồi đất phải có quy định thu hồi đất để tạo việc làm, tạo điều kiện sản xuất kinh doanh.
Trên cơ sở đó, ông đề nghị bổ sung vào Khoản 21 điều 79 thêm một nội dung là, thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi.
Chưa thể hiện rõ tính chất “thật cần thiết”
Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, theo Hiến pháp 2013, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng các điều kiện: Phải là trường hợp thật cần thiết, phải do luật định và phải vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Đối chiếu với các yêu cầu trên, đại biểu Nghĩa cho rằng, quy định tại Điều 79 và Điều 80 của dự luật chưa thể hiện rõ tính chất “thật cần thiết”.
Theo ông, trên thực tế có trường hợp thu hồi đất nằm trong 31 trường hợp quy định tại Điều 79 và đáp ứng quy định của Điều 80 nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với nhân dân, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nghĩa dẫn báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 cũng nêu cụ thể nhiều trường hợp dự án đất hoang hóa hóa, lãng phí; đề nghị xem xét bổ sung cụm từ ‘thật cần thiết’ vào phần mở đầu của Điều 79 Dự thảo Luật.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị). Ảnh: Như Ý.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị bỏ quy định muốn chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở. Vì quy định này gây ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở, giảm giá nhà.
Quy định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất là rất tiến bộ.
“Người dân sẽ không có động lực để kê khai thấp giá chuyển nhượng đất để giảm thuế nữa. Hệ quả là giá trên hợp đồng sẽ là giá thật. Nhà nước dựa vào giá trên hợp đồng để xây dựng bảng giá cho các năm sau thì giá sẽ sát thực tế”, ông Hà Sỹ Đồng cho hay.
Dự thảo luật quy định trường hợp đất đã được sử dụng ổn định từ 1/7/2004 đến trước ngày 1/7/2014, được UBND xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
a) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất bằng hoặc lớn hơn hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 của Luật này thì diện tích đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất bằng hạn mức giao đất ở.
b) Đối với thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống nếu diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức giao đất ở quy định tại khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 của Luật này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất đó.
c) Phần diện tích còn lại (nếu có) sau khi đã xác định diện tích đất ở theo quy định tại điểm a khoản này thì được công nhận theo hiện trạng sử dụng đất.
Theo Luân Dũng
Tiền phong