Chung cư sở hữu 50 năm: Băn khoăn chuyện thừa kế, chỗ ở cho dân sau này
(Dân trí) - Ồn ào vụ đề xuất sở hữu chung cư 50 năm, Bộ Xây dựng lên tiếng; bán nhà 2 giá: Bộ trưởng Tài chính tiết lộ có trường hợp kê lại gấp 40 lần... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Ồn ào vụ đề xuất sở hữu chung cư 50 năm, Bộ Xây dựng lên tiếng
Liên quan đến nội dung đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư 50-70 năm gây chú ý dư luận vừa qua, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa lên tiếng giải thích .
Bộ Xây dựng cho biết đang có một số ý kiến trái chiều. Bên cạnh các ý kiến đồng thuận với đề xuất của Bộ Xây dựng thì cũng có ý kiến còn băn khoăn vì chưa rõ quy định về thời hạn này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các quyền của chủ sở hữu sau này.
Cụ thể như vấn đề thừa kế, để lại tài sản cho con cháu hoặc khi hết hạn sở hữu thì chỗ ở của người dân sẽ được giải quyết ra sao. Thậm chí có ý kiến lo ngại hiện tượng người dân sẽ chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ thay vì mua căn hộ chung cư do tâm lý muốn sở hữu lâu dài tài sản nhà đất như hiện nay…
Theo Bộ Xây dựng, việc đề xuất sửa đổi chính sách về thời hạn sở hữu nhà chung cư như nêu trên được dựa trên nhiều cơ sở, cả về yêu cầu trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, vì có liên quan đến tài sản và tính mạng của nhiều người, trên cơ sở thực tế các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư hiện nay và có tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Nếu sổ hồng chung cư 50-70 năm, người dân sẽ chuyển sang mua nhà đất?
Trong đề cương luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay.
Về góc độ xã hội học, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Savills Việt Nam cho biết, việc quy định thời hạn của các dự án chung cư có thể hỗ trợ phần nào quá trình di dời người dân sinh sống tại các chung cư xuống cấp tại những thành phố lớn.
Theo Bộ Xây dựng, căn hộ chung cư sở hữu 50 năm mới chỉ là đề xuất (Ảnh: Đỗ Quân).
Tuy nhiên, về quy hoạch tại các đô thị lớn, chung cư là lời giải được áp dụng trên toàn cầu cho bài toán về nhà ở với những đô thị nén. Nếu đề xuất này được đưa vào thực tế, ông Khương lo người dân có thể sẽ không ở thành phố mà chuyển sang các khu vực có bất động sản liền thổ để tối ưu nguồn tài chính mình chi trả.
"Bất động sản luôn được hiểu là tài sản có giá trị gia tăng trong tương lai. Nếu đề xuất này được áp dụng, trong tương lai có khả năng dẫn đến xu hướng người dân sẽ không chọn chung cư mà chuyển sang mua nhà phố hoặc các đơn nguyên ở ngoài để đảm bảo giá trị lâu dài của tài sản. Do đó, điều này sẽ khiến tính thanh khoản của thị trường căn hộ bị ảnh hưởng và giá bán căn hộ sẽ bị chững lại", ông Khương nhấn mạnh.
Bán nhà 2 giá: Bộ trưởng Tài chính tiết lộ có trường hợp kê lại gấp 40 lần
Ngày 2/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội một số nhóm nội dung đại biểu "đặc biệt quan tâm", trong đó có vấn đề siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản. Theo Bộ trưởng, vừa qua, có đại biểu băn khoăn việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế, còn gây ảnh hưởng với người dân.
Về vấn đề này, ông Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định, người nộp thuế phải kê khai thuế trên hợp đồng đúng với giá hai bên đã thỏa thuận với nhau, nếu thấp hơn thì tính theo bảng giá đất tại thời điểm nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: Quốc Chính).
"Thời gian vừa qua, có sự trốn thuế, có sự trục lợi về thuế trong lĩnh vực này", Bộ trưởng Tài chính nói. Chính vì vậy, Bộ trưởng Tài chính đã có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt thu thuế đúng giá trị mua bán, điều này cũng tác động tới đầu cơ kinh doanh bất động sản.
Theo đó, trong 5 tháng tổng thu được là 16.200 tỷ đồng, vượt thu cùng kỳ năm ngoái 6.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, có trường hợp chỉ kê khai 500 triệu đồng, sau đó được giải thích thì kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần. "Thậm chí có trường hợp gấp 40 lần. Còn bình quân cũng 6 lần", Bộ trưởng Tài chính thông tin.
Trước lo ngại của đại biểu, Bộ trưởng giải thích đã có chỉ đạo cấm cơ quan thuế nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân. Vấn đề này cũng nhằm "tiền phòng hậu kiểm", tránh để các vụ án hình sự xảy ra.
Vạch loạt "góc khuất" trong đấu giá đất, dìm giá từ 500 tỷ đồng còn một nửa
Phát biểu trước Quốc hội sáng nay (1/6), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã chỉ ra hàng loạt góc khuất tiêu cực trong đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua.
Bà Thủy cho biết, có tình trạng bắt tay ngầm để "rút ruột" Nhà nước. Theo phản ánh của giới kinh doanh bất động sản, không thể tác động vào cuộc đấu giá nếu không có "tay trong", ở mức độ vi phạm đơn giản thì cũng cần có "tay trong" cung cấp thông tin để tổ chức quây thầu, vây thầu trúng với giá rẻ.
Còn ở mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, bà Thủy cho rằng, đó là sự cấu kết của những cơ quan có thẩm quyền, tạo thành nhóm lợi ích "rút ruột" Nhà nước trong các phiên đấu giá.
Bà Thủy lấy ví dụ về một vụ án đấu giá đất mới đây ở Hà Nội, các đối tượng đã bắt tay với người có trách nhiệm, điều chỉnh giá rẻ hơn gần một nửa so với giá ban đầu, từ 500 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Nếu phi vụ này trót lọt thì Nhà nước sẽ mất gần nửa tiền, theo bà Thủy. Trong vụ án này, có 8 bị can bị khởi tố thì có 2 cán bộ ban quản lý dự án. "Dư luận băn khoăn còn nhiều phi vụ nào chưa được phát hiện hay không?", bà Thủy đặt vấn đề.
Nghịch lý nhà xã hội: 80 căn "ế" người thuê, 350 đơn xin mua không được
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) đã cho biết như vậy khi thảo luận tại hội trường chiều nay (2/6) về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Theo ông Gia, chủ trương phát triển nhà ở xã hội là rất đúng đắn và nhân văn nhằm giải quyết nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thu nhập thấp. Theo chủ trương này, chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê. Sau thời hạn tối thiểu là 5 năm, nếu không còn thuê thì mới được bán nhà ở này.
Đại biểu Quốc hội Trần Đình Gia nêu ví dụ về sự lãng phí trong phát triển nhà ở xã hội (Quốc Chính).
"Thực tế tại đô thị loại 2 và loại 3 thì nhu cầu người thuê nhà ở xã hội rất thấp, bởi vì phải dành khoảng 3 triệu đến 3,5 triệu đồng để thuê, người lao động không thể dành được khoản tiền như vậy cho nên họ chỉ có nhu cầu mua, vay Ngân hàng chính sách xã hội để mua", ông Gia nói.
Ông chỉ ra thực tế thí điểm nhà ở xã hội ở Hà Tĩnh hiện nay còn 80 căn hộ cho thuê thì không ai thuê. Trong lúc đó, có đến 350 đơn xin mua nhưng không được mua. "Đây là một sự lãng phí rất lớn", đại biểu nhấn mạnh.
Nhiều "siêu" dự án bất động sản lọt tầm ngắm thanh tra
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội vừa quyết định thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra 33 tổ chức sử dụng đất tại nhiều quận, huyện của Hà Nội.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện, gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai.
Trong đó, có một số dự án quy mô lớn thuộc đối tượng thanh tra như: Dự án xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam của Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Dự án khu đô thị Bắc An Khánh của Công ty liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh; Dự án phần mở rộng khu B của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà; Dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch của Tổng công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO); Dự án khu đô thị mới thuộc khu đô thị đại học Vân Canh do Công ty cổ phần đầu tư An Lạc làm chủ đầu tư...
Ngoài ra, còn có các dự án của Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần xây dựng sông Hồng, Công ty TNHH xây dựng IDC ở quận Tây Hồ; Các dự án của Công ty TNHH Phú Đạt, Tập đoàn Nam Cường ở huyện Thạch Thất; các dự án của Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty cổ phần Kết Thành.