Cần thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa họp phiên đầu tiên đánh giá lại Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi trình lấy ý kiến rộng rãi.
Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng Ban soạn thảo - cho biết, những năm qua, Luật Đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất vẫn chưa theo kịp tiến trình phát triển của thực tiễn.
Cần thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi.
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) cần đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên cao nhất, quan tâm đến lợi ích của người dân trong từng chính sách cụ thể.
Xây dựng Dự án Luật chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ quy hoạch, kinh tế và hành chính để thúc đẩy sử dụng công bằng, hợp lý nguồn thu từ đất, khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững…
Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời tập trung thảo luận để thống nhất điều chỉnh mọi quan hệ quản lý, sử dụng đất đai, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; thể chế hóa các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn đã được chứng minh nhưng chưa có trong quy định của pháp luật hiện hành; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện gắn với trách nhiệm của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.
Các đại biểu cũng thảo luận hoàn thiện chế định quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; chế định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất để thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các định hướng xã hội chủ nghĩa, quan tâm đến lợi ích của người dân trong ngay trong từng từng chính sách; thúc đẩy phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai. Ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; khắc phục tình trạng sử dụng đất đai lãng phí, tham nhũng và đầu cơ đất đai.
Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật đất đai (sửa đổi) tiếp thu hoàn thiện dự thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sớm trình lên cơ quan có thẩm quyền và công bố lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để tiếp tục hoàn thiện.
Thanh Tâm
Công Thương
https://congthuong.vn/can-the-che-hoa-quan-diem-chu-truong-moi-vao-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-182649.html