Cách người mua ở thực sử dụng đòn bẩy tài chính mua bất động sản
Trong lĩnh vực tài chính, cụ thể là vay mua nhà thì thuật ngữ “đòn bẩy” được sử dụng khá thường xuyên. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được cách sử dụng đòn bẩy thế nào, tỷ lệ nên vay là bao nhiêu…
Với nhiều người có nhu cầu mua nhà ở thực, yếu tố quan trọng nhất vẫn là tính toán lộ trình tài chính thận trọng và phù hợp khi sử dụng đòn bẩy vốn.
Trước tình hình giá nhà ngày một cao, nhiều bạn trẻ đang sống và làm việc tại các tỉnh thành lớn như Tp.HCM, Hà Nội muốn mua một căn hộ tầm 3-5 tỷ, phù hợp với tài chính của gia đình, thì đòn bẩy tài chính là 1 giải pháp được nhiều bạn lựa chọn để sở hữu được nhà ở.
Chẳng hạn, anh Nguyễn Văn A sắp có gia đình, tổng thu nhập 2 vợ chồng gần 40 triệu đồng. Anh đang phân vân giữa căn hộ 2PN ở TP Thủ Đức giá 4,5 tỷ hoặc căn tương tự ở Bình Chánh giá 3,6 tỷ. Nếu đi vay, anh A dự kiến sẽ vay 50% giá trị căn hộ, phần còn lại anh có thể sử dụng nguồn tiền tích lũy của bản thân và hỗ trợ từ 2 bên gia đình.
Vấn đề của anh A cũng là băn khoăn mà nhiều người gặp phải, nhất là trong bối cảnh giá nhà chênh lệch quá nhiều so với thu nhập của người lao động. Chưa đủ tiền để mua đứt tài sản thì đi vay là giải pháp tất yếu.
Với trường hợp của anh A, dù mua căn hộ có giá trị bao nhiêu, vay vốn từ bất kỳ kênh nào cũng cần có tài chính bản thân tầm 50% giá trị tài sản và chỉ nên vay tối đa 50%. Nếu tính giá thị trường hiện tại, mua một căn hộ tầm 3,6 tỷ, người mua cần có ít nhất 1,8 tỷ và đi vay thêm 1,8 tỷ. Giả sử lãi suất chung của thị trường nằm khoảng 10%/năm, với thời hạn vay là 25 năm, mỗi tháng anh A cần phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi 21 triệu (tiền gốc 6 triệu đồng và lãi suất vay tương đương 15 triệu).
Như vậy, thu nhập của vợ chồng anh A (chưa có con nhỏ) ở tầm 40 triệu đồng/ tháng, 21 triệu để trả nợ, còn 19 triệu để chi phí, tiền sinh hoạt là 4 triệu, tiền ăn uống là 5 triệu, chi phí khác 5 triệu đồng thì vẫn còn dư 5 triệu dự phòng vấn đề phát sinh như đau bệnh, hư hỏng xe,...Nhìn chung nếu vay mua căn hộ với giá này thì vẫn hợp lý cho nguồn tài chính như vợ chồng anh A.
Tương tự, với trường hợp căn hộ có giá 4,5 tỷ thì anh A cần có ít nhất 2,25 tỷ và đi vay 2,25 tỷ trong 25 năm, cả gốc lẫn lãi mỗi tháng phải trả lên đến 6,25 triệu. Nếu mua căn hộ này thì vợ chồng anh A cần có thêm 450 triệu đồng nữa so với căn 3,6 tỷ. Và khi trả nợ ngân hàng 25 – 26 triệu/ tháng, vợ chồng anh A còn 13,75 triệu đồng, cần phải tiết kiệm và thắt chặt chi tiêu trong gia đình ví dụ tiền sinh hoạt nên giảm xuống còn 3 triệu, tiền ăn uống giảm còn 3 triệu, còn dư 3 triệu để đề phòng những trường hợp phát sinh xảy ra.
Vì số tiền lãi sẽ giảm dần qua các tháng theo mức thanh toán số tiền gốc mỗi tháng của người mua nên áp lực chi trả cũng giảm bớt vào các năm sau. Mức 26,25 triệu đồng là mức cao nhất mà anh A phải trả mỗi tháng. Tuy nhiên nếu dùng đòn bẩy tài chính, anh A nên đặt mục tiêu tăng thêm thu nhập để rút ngắn kỳ hạn vay giảm bớt gánh nặng tâm lý và mất đi cơ hội tích lũy vốn để đầu tư sinh lời vào các kênh đầu tư khác.
Nhìn chung khi sử dụng đòn bẩy tài chính, người mua nhà cần chuẩn bị tâm lý, tính toán toàn bộ khả năng tài chính của bản thân, tỷ trọng vốn vay khi mua nhà chỉ nên cân nhắc ở mức dưới 50% giá trị tài sản. Các trường hợp vay 70-80% giá trị căn hộ có thể gặp nhiều rủi ro khi lãi suất tăng sau thời gian hết ưu đãi.
Nguyễn Thanh Tâm
Theo Nhịp sống kinh tế