Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bỏ khung giá đất
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình thực hiện, khung giá đất, bảng giá đất chưa theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời, biên độ quá rộng...
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Đất đai, trong đó đề xuất bỏ quy định khung giá đất.
Tại dự thảo trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Điều 113 Luật Đất đai (2013) quy định, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy khung giá đất không theo kịp biến động giá đất trong thực tế, chưa điều chỉnh kịp thời, biên độ quá rộng. Một số địa phương đề nghị cho phép ban hành bảng giá đất vượt khung giá, có địa phương đề nghị bỏ khung giá đất.
Do đó, thực hiện chủ trương của Đảng về hoàn thiện cơ chế định giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất bỏ quy định khung giá đất; sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể, tư vấn xác định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành; bổ sung quy định về cơ quan định giá đất cấp tỉnh.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc sửa đổi, bổ sung quy định về các nguyên tắc định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể, tư vấn xác định giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành nhằm bảo đảm thị trường bất động sản được công khai, minh bạch; đẩy nhanh quá trình xác định, thẩm định, quyết định giá đất để tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai và bảo đảm giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường, cân bằng lợi ích các bên và phát huy hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam.
Ngoài ra, việc bổ sung quy định cơ quan định giá đất cấp tỉnh giúp đảm bảo và tăng cường tính khả năng thi hành và tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nâng cao tính độc lập của các chủ thể trong quá trình xác định giá đất cụ thể.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để thực hiện đề xuất trên, cần phải thay đổi chính sách về giá đất và sẽ phát sinh một số thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện thực hiện, trình tự thủ tục thực hiện việc xác định giá đất.
Ngoài ra, việc thực hiện đề xuất trên sẽ giúp cho địa phương chủ động trong việc ban hành bảng giá đất; sẽ khắc phục được các vướng mắc trong thực tế triển khai, đảm bảo việc định giá công khai, minh bạch, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế việc khiếu nại liên quan đến giá đất.
Liên quan đến việc này, trước đó, trình bày chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao" (Nghị quyết 18) tại hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói chủ trương bỏ khung giá đất đã được các cơ quan thống nhất sau khi thảo luận kỹ lưỡng "từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới".
Theo Nghị quyết Trung ương, cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường sẽ được xây dựng, trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Trung ương sẽ xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong xây dựng bảng giá đất. HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Trung ương cũng yêu cầu xây dựng cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng thẩm định giá đất, đảm bảo tính độc lập của hội đồng thẩm định và năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá; năng lực và đạo đức của các định giá viên. Giá đất phải được công khai và mọi giao dịch thông qua sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Theo Thủ tướng, vấn đề quan trọng để đảm bảo giá đất công khai, minh bạch, "cuối cùng vẫn là con người". Các cơ quan cần sàng lọc kỹ khi chọn người tham gia xác định giá đất. Dù quản lý tốt, con người làm không tốt, tiêu cực, đưa vấn đề cá nhân vào thì "có cơ chế kiểm soát thế nào họ cũng tìm cách làm sai".
"Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang tại Nghị quyết nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân trong sử dụng đất", lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Tuấn Minh
BizLive
https://nhipsongkinhdoanh.vn/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-de-xuat-bo-khung-gia-dat-post3099141.html