Nhà đầu tư đang có tâm lý dè chừng, chờ giá bất động sản giảm

Jul 29, 2022 - 23:18
Jun 27, 2023 - 01:00
 0  9
Nhà đầu tư đang có tâm lý dè chừng, chờ giá bất động sản giảm

Thị trường bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn, theo đó nghịch lý đã xuất hiện người bán nhiều nhưng vắng người mua. Đa phần hiện nay những người cầm tiền mặt đang có tâm lý dè chừng hoặc đợi giá giảm sâu hơn.

Trong thời gian 2 tháng trở lại đây, một văn phòng bất động sản tại Bắc giang tiết lộ, đã có khoảng 40 người gọi tới nhờ rao bán hộ đất nền. Lý do mà họ đưa ra đa phần là: “Bán gấp, cần tiền để đầu tư mảng khác”.

Chủ văn phòng môi giới này chia sẻ, người nhờ bán thì nhiều. Họ thậm chí trả hoa hồng mạnh tay vài chục triệu, có thể đến trăm triệu. Cùng đó là mức cắt lỗ 10-15% so với thời điểm sốt đất. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường trong khu vực cũng chững lại nên người bán nhiều nhưng người mua rất ít.

“Tôi đã cho tất cả anh em đăng tải liên tục trên các hội nhóm bất động sản, diễn đàn về nhà đất, chạy quảng cáo, thậm chí là gọi điện chào mời lại khách cũ nhưng mọi người đều nói thời điểm này chưa muốn xuống tiền. Người nhờ bán thì nhiều nhưng người mua vắng”, vị này nói.

Theo anh Thanh Tùng, chủ phòng giao dịch bất động sản tại Hà Nội, diễn biến người bán nhiều hơn người mua không chỉ diễn ra ở khu vực vùng ven Hà Nội mà tại nhiều tỉnh thành, tình trạng này khá phổ biến, nhất là trong khoảng 2 tháng trở lại đây.

Anh Tùng cho biết, có 3 lý do khiến tình trạng này xuất hiện. Đầu tiên, người bán đang nhu cầu đẩy hàng đi vì không có khả năng cầm cự do nợ tiền ngân hàng lâu. Ngoài ra, họ lo ngại thị trường còn chững và đóng băng. Thứ hai, về phía người mua, họ cũng tâm lý dè dặt, xem chừng, cẩn trọng chờ diễn biến của thị trường. Hoặc, có người đang chờ thị trường xuất hiện sản phẩm giảm sâu hơn nữa để vào tiền.  Anh Tùng nhận định, hiện tượng nhiều người bán, ít người mua sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia bất động sản thẳng thắn chỉ ra khó khăn thách thức mà thị trường đang đối mặt, đặc biệt là dấu hiệu thanh khoản chậm. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư với tâm lý tin rằng giá đất chỉ tăng sẽ không giảm, người sinh ra đất không sinh ra nên đã gạt bỏ hết khó khăn thị trường bất động sản đang đối mặt.

Theo ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản, thị trường xuất hiện khó khăn, nhưng doanh nghiệp địa ốc quảng cáo thị trường tốt. Còn thực tế, giao dịch đang sụt giảm.

Ông Quang cho rằng, trong giai đoạn này, xuất hiện nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Ông Quang khuyến nghị, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt ở thời điểm này để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì dù muốn xuống tiền cũng nên cảnh giác với những rủi ro bất động sản chững lại. 

Báo cáo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra nhận định, trong bối cảnh lạm phát, mặc dù giá bất động sản tăng nhanh nhưng thanh khoản chậm, thị trường xuất hiện nghịch lý mua dễ, bán khó. Nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng,...

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế cho biết, thực tế, thị trường bất động sản đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc từ năm 2021 khi thanh khoản không có nhưng giá vẫn tăng. “Những dấu hiệu đó cho thấy thị trường đã đến đỉnh điểm của việc tăng trưởng nóng. Quan sát năm 2021 không ít người ngạc nhiên với thị trường bất động sản bởi thông thường thị trường chỉ tăng khi kinh tế phát triển mạnh hoặc dòng tiền tốt”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, nhiều doanh nghiệp không làm ăn được nên bỏ tiền vào bất động sản, người dân vì chán làm ăn cũng bỏ tiền vào địa ốc. Những lý giải này đều không có tính hợp lý về kinh tế. Bởi vì khi một nền kinh tế đang khó khăn, dù người có tiền hay không có tiền cũng không ai đi lo bỏ tiền vào kênh đầu tư dài hạn là bất động sản.

Vị chuyên gia nhận định: “Đến đầu năm 2022, cùng với việc Bộ Tài chính và Chính phủ quyết liệt trong việc xử lý một số doanh nghiệp thì người ta mới thấy rằng năm 2021 xuất hiện một dòng tiền đầu tư tài chính ảo. Và việc tăng giá bất động sản trong năm qua hoàn toàn không dựa trên một nhu cầu bền vững của đầu tư hoặc sử dụng”.

Ông Hiển dự báo, những doanh nghiệp đã sử dụng vốn vượt quá mức và những nhà đầu cơ bất động sản vay vốn quá mức sẽ gặp khó khăn. Tình trạng này mới bắt đầu và việc đóng băng sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng nữa.

Nhìn lại thị trường bất động sản giai đoạn 2014 – 2015, nhờ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng của Chính phủ nên thị trường dần được phục hồi. Từ năm 2016 trở đi, nhờ kinh tế phát triển tốt, thị trường bất động sản tăng trưởng liên tục. Thời điểm năm 2019, giá bất động sản đã ở mức cao nhưng đến giai đoạn 2020 – 2021 dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng giá vẫn tiếp tục tăng”, vị chuyên gia cho biết.

Thực trạng trên đã khiến không ít người khẳng định một cách chắc nịch giá đất chỉ có tăng chứ không giảm. Nhưng họ quên rằng năm 2008 cũng có nhận định như vậy và đến năm 2012 thì thị trường giảm giá khá mạnh ở nhiều phân khúc.

Ông Hiển tiết lộ, hiện nay rất nhiều người vẫn đang ôm đất vì tin rằng: “Giá chỉ tăng chứ không giảm”. Nhưng theo khảo sát của chuyên gia, ở một số khu vực, giá đất tăng chủ yếu là do môi giới thổi. Tình trạng này đang diễn ra ở những vùng đô thị không lớn hoặc những vùng nông thôn.

Vị chuyên gia cho hay: “Mua bán bất động sản hiện nay có tình trạng giá trên thị trường và giá giao dịch thực sự không hoàn toàn giống nhau. Người muốn mua thì không tìm được đúng người bán mà họ cần, dễ gặp phải cò đẩy giá. Tôi cho rằng, giá đất thời gian tới có giảm khi chủ đất thực sự muốn bán”.

Minh Tâm

Theo Nhịp sống kinh tế

http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/nha-dau-tu-dang-co-tam-ly-de-chung-cho-gia-bat-dong-san-giam-4202229714160381.htm